Cuối tháng 3, ông Tônh, 39 tuổi, người Ba Na, đang cố gắng kéo những đoạn ống nước để tưới tiêu giữa cánh đồng lúa cháy vàng do nắng hạn. Sau khi hoàn tất việc lắp đặt, ông bật máy phát điện từ chiếc công nông đậu gần đó để hút nước từ giếng sâu 10 mét, cố gắng cứu lấy vụ lúa.
“Hôm nay là lần thứ ba tôi tưới trong ngày, nhưng nước cũng sắp cạn kiệt, chỉ khoảng nửa giờ là đáy giếng đã trơ”, ông Tônh chia sẻ trong lúc nhìn vào những thửa ruộng nứt nẻ, cây lúa khô vàng, kém phát triển.
Ruộng của ông rộng khoảng 1.400 m2, nằm cạnh một khe suối và được gieo từ tháng 11 năm ngoái. Ban đầu, cây lúa phát triển tốt, ông hy vọng vào một mùa thu hoạch năng suất cao. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, thời tiết tại huyện Đăk Đoa khô hạn liên tục, lượng nước ngầm sụt giảm, kênh mương cạn trơ đáy khiến cây lúa chết dần. Ông Tônh đã phải chi thêm 3 triệu đồng để mua ống dẫn nước mong vớt vát tình hình.

“Đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu trời không đổ mưa, tôi buộc phải chặt lúa làm thức ăn cho bò”, ông buồn rầu nói. Vụ mùa năm trước, cùng diện tích đó, gia đình ông thu được hơn 500 kg gạo.
Cách đó khoảng 500 mét, vợ chồng ông Nưn, 50 tuổi, cũng đang cắt bỏ diện tích ruộng hơn một sào. Dưới cái nắng gay gắt, toàn bộ ruộng lúa đã khô cháy, lá và hạt đều teo tóp. Không còn cách nào khác, ông bà phải chặt lúa để làm thức ăn cho đàn bò bốn con của mình. “Toàn bộ công sức, tiền bạc đầu tư giờ coi như trắng tay”, ông Nưn than thở.
Ông cho biết năm nay hạn đến sớm và khắc nghiệt hơn mọi năm. Từ đầu mùa khô, nguồn nước đã thiếu hụt nghiêm trọng. Kênh mương trong vùng cạn khô từ nhiều tuần trước, trong khi ruộng của ông lại ở xa khe suối nên không thể dẫn nước về. Một số hộ dân xung quanh đã sớm phá bỏ ruộng lúa, chuyển sang trồng khoai lang để thích nghi với thời tiết.
Theo thống kê tại xã A Đơk, vụ đông xuân 2024-2025, nông dân đã gieo trồng khoảng 120 ha lúa. Trong đó, gần 50 ha bị thiệt hại nghiêm trọng, từ 70% đến mất trắng hoàn toàn. Nhiều hộ dân phải chặt bỏ lúa khô để cho bò ăn hoặc phá bỏ để trồng cây ngắn ngày, chịu hạn tốt hơn.
Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Đoa, cho biết tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đang xảy ra tại khu vực phía nam huyện. Chính quyền đã triển khai lực lượng hỗ trợ người dân nạo vét ao hồ, tận dụng các nguồn nước dự trữ để tưới cho lúa, với mục tiêu hạn chế thiệt hại tối đa.
Không riêng gì Gia Lai, tại Kon Tum, tình trạng khô hạn cũng đang gây ảnh hưởng lớn. Theo Chi cục Thủy lợi và Tài nguyên nước tỉnh Kon Tum, khoảng 380 ha đất trồng lúa, cây công nghiệp và rau màu đã bị tác động vì hồ chứa thủy lợi xuống mực nước thấp. Người dân đang phải đào hố, mương tạm để gom nước tưới cà phê.
Hiện tại, có 5 công trình hồ chứa tại Kon Tum đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài đến tháng 5, sẽ có gần 2.000 ha cây trồng tại các huyện như Đăk Hà, Sa Thầy, Ngọc Hồi và TP Kon Tum đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, trưởng thôn 4 xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), chia sẻ rằng hai hồ thủy lợi tại địa phương đang phục vụ cho khoảng 70 ha cà phê. Tuy nhiên, nguồn nước đang cạn kiệt dẫn đến tranh chấp giữa người dân trong việc chia sẻ nước tưới.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng tại phía Tây và phía Nam tỉnh Kon Tum trong tháng 3, mở rộng phạm vi trong tháng 4 và kéo dài đến tận tháng 5.
Trước diễn biến này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các địa phương theo dõi sát mực nước tại các hồ chứa, lên phương án điều tiết hợp lý, tưới tiết kiệm, sửa chữa kênh mương rò rỉ, và tích cực nạo vét để đảm bảo nguồn nước. Ngoài ra, người dân được khuyến khích tận dụng các dòng suối, ao hồ và đắp đập tạm để bơm tưới khi tình trạng hạn hán trở nên nghiêm trọng.
Theo báo VnExpress