Sáng ngày 15/3 tại một cơ sở giam giữ ở Texas, nhiều người nhập cư đến từ Venezuela bất ngờ được thông báo sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Mỹ. Họ tin rằng điểm đến của mình sẽ là quê nhà, nên không ít người cảm thấy nhẹ lòng sau hành trình vượt biên đầy gian khổ. Eirisneb Rodriguez kể lại rằng trong cuộc gọi tối 14/3, chồng cô – một thợ cắt tóc tên Obed Navas đang sống ở Sherman, Texas – bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm vì sắp rời khỏi nơi giam giữ.
Tuy nhiên, khi máy bay hạ cánh, họ bàng hoàng nhận ra mình đang ở El Salvador, thay vì Venezuela. Tại đây, chính quyền Tổng thống Nayib Bukele huy động hàng trăm binh lính và cảnh sát cơ động trang bị tận răng để tiếp nhận nhóm người bị trục xuất và đưa thẳng đến Trung tâm Giam giữ Khủng bố (CECOT) – được mệnh danh là “siêu nhà tù” lớn nhất thế giới. Ban đầu được xây dựng nhằm giam giữ các phần tử thuộc các băng nhóm tội phạm khét tiếng của El Salvador, CECOT nay trở thành nơi tiếp nhận người bị Mỹ trục xuất.
Sáng 16/3, các gia đình tại Venezuela nhận ra người thân trong những đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh họ bị áp giải vào nhà tù, buộc phải cởi áo khoác và quỳ gối để quản ngục cạo đầu. Một thanh niên không kìm được nước mắt, khóc lóc cầu xin được gặp lại mẹ.

Cùng thời điểm, gần 16h ngày 15/3 (tức 3h sáng 16/3 theo giờ Hà Nội), thông báo từ Nhà Trắng được công bố, khẳng định Tổng thống Donald Trump đã viện dẫn “thẩm quyền thời chiến” để tiến hành trục xuất ngay lập tức các cá nhân bị nghi là thành viên của băng đảng Tren de Aragua (TdA) – tổ chức tội phạm khét tiếng đến từ Venezuela.
Ngay sau đó, thẩm phán liên bang James Boasberg đã triệu tập phiên điều trần khẩn nhằm đình chỉ quyết định này, yêu cầu chính quyền liên bang trì hoãn chuyến bay cho tới khi ông xác minh việc sử dụng đạo luật thời chiến có hợp pháp hay không. Ông Trump đã dựa trên Đạo luật Kẻ thù từ bên ngoài năm 1798 – từng gây tranh cãi vì được sử dụng trong Thế chiến II để đưa người Mỹ gốc Nhật vào trại tập trung. Khi bị chất vấn về việc kích hoạt đạo luật này, Trump nhấn mạnh rằng “nước Mỹ đang trong thời kỳ chiến tranh”, đồng thời gọi những người nhập cư trái phép là “những kẻ xâm lược tội phạm”.
Chỉ trong vòng chưa đầy bốn tiếng sau tuyên bố từ Nhà Trắng, ba máy bay chở tổng cộng 261 người đã rời khỏi không phận Mỹ. Theo Bộ Tư pháp, hai trong số đó đã bay khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ trước khi lệnh đình chỉ của thẩm phán Boasberg được gửi tới. Chiếc còn lại trục xuất người nhập cư theo một điều khoản luật khác, nên không bị ảnh hưởng bởi phán quyết.
Trên mạng xã hội, Tổng thống El Salvador – ông Nayib Bukele – đăng dòng trạng thái ngắn gọn sau khi có phán quyết của tòa án: “Rất tiếc. Quá muộn rồi”. Được biết, El Salvador đã đồng ý tiếp nhận khoảng 300 người nhập cư mỗi năm vào các nhà tù của mình và nhận khoản hỗ trợ 6 triệu USD từ phía Mỹ.
Trong một phát biểu đầy cứng rắn, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết chính quyền khuyến khích người nhập cư trái phép chủ động rời Mỹ, để tránh phải chịu cảnh tượng như trong đoạn video nói trên. Bà còn gọi những người bị trục xuất là “quái vật đáng ghê tởm”, cho rằng họ là thành viên băng đảng đến Mỹ với mục đích phạm pháp.
Chính quyền khẳng định đã có lý do vững chắc để tin rằng sự hiện diện của băng nhóm TdA tại Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng. Tổng thống Trump đã chính thức xếp tổ chức này vào danh sách khủng bố nước ngoài. Robert Cerna – quyền giám đốc ICE – trong hồ sơ gửi tòa án tuần này, nhấn mạnh “cần thiết phải nhanh chóng loại bỏ TdA khỏi nước Mỹ”.
Tuy nhiên, một số gia đình lên tiếng phản đối, cho rằng những cáo buộc nhằm vào người thân họ là thiếu căn cứ. Luật sư bảo vệ cho một số người di cư cho biết, có người bị đưa tới nhà tù CECOT chỉ vì mang hình xăm – bằng chứng không đủ để kết luận họ thuộc về băng nhóm nào. Trong số 261 người bị trục xuất, khoảng một nửa nằm trong diện bị xử lý theo đạo luật thời chiến, trong khi 101 người khác bị trục xuất theo quy định nhập cư thông thường và 23 người được cho là thành viên của băng nhóm MS-13 tại El Salvador.
Theo Robert Cerna, các nhân viên ICE đã tiến hành điều tra kỹ lưỡng từng trường hợp, xem xét hồ sơ pháp lý, phỏng vấn và kiểm tra nhiều dữ kiện chứ không chỉ dựa vào hình xăm hay các bài đăng trên mạng xã hội.
Một trong những người bị trục xuất là Cesar Frencisco Tovar, 23 tuổi, người đến Mỹ xin tị nạn cùng gia đình vào tháng 10/2023. Anh được cấp giấy phép lao động tạm thời và làm việc trong một tiệm cắt tóc. Vợ anh – Yulainy Herrera – kể lại rằng vào ngày 27/1, khi đang lưu thông ở San Antonio, cảnh sát đã yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Khi biết Tovar không có bằng lái, họ yêu cầu anh cởi áo khoác và chụp lại các hình xăm trên tay anh, sau đó còng tay và thông báo bắt giữ.
Ngày hôm sau, Tovar gọi điện từ trung tâm ICE ở South Texas, nói với vợ rằng anh sắp bị trục xuất vì bị cho là có liên hệ với băng đảng TdA.
Theo báo VnExpress