Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21 tháng 3 cho biết, tập đoàn Boeing đã được giao nhiệm vụ phát triển tiêm kích thế hệ thứ sáu trong khuôn khổ dự án Làm chủ Bầu trời Thế hệ mới (NGAD). Mẫu chiến đấu cơ mới mang tên F-47 này sẽ từng bước thay thế dòng tiêm kích tàng hình F-22 vốn đã phục vụ suốt hơn hai thập kỷ.
Trong buổi công bố, giới chức Mỹ đồng thời giới thiệu các hình ảnh mô phỏng ban đầu của F-47. Các chi tiết được tiết lộ gồm phần mũi, buồng lái, càng đáp và một phần cánh máy bay. Thiết kế tổng thể vẫn được giữ bí mật để đảm bảo yếu tố an ninh trong quá trình phát triển dự án.

Tyler Rogoway, biên tập viên chuyên trang quân sự War Zone, nhận định rằng điểm đáng chú ý nhất trong mô phỏng là cụm cánh mũi hai bên khoang lái. Theo ông, việc trang bị cánh mũi là điều gây ngạc nhiên, bởi lẽ dòng tiêm kích thế hệ mới như F-47 cần tối ưu về khả năng tàng hình, tầm hoạt động, tải trọng vũ khí và tốc độ, hơn là chú trọng vào độ linh hoạt khi cơ động. Ông cho rằng thiết kế này đặt ra nhiều dấu hỏi.
Giới chuyên gia từ trước đến nay vẫn đánh giá rằng F-47 sẽ áp dụng thiết kế không cánh đuôi, tương tự với các mẫu máy bay ném bom B-2 và B-21. Các hình ảnh trước đó về dự án NGAD đều cho thấy F-47 sử dụng dạng cánh tam giác, không có cánh đuôi đứng, đuôi ngang hay cánh mũi.
Rogoway lý giải, việc loại bỏ cánh đuôi có thể giúp máy bay tàng hình tốt hơn so với các mẫu thiết kế truyền thống, tuy nhiên nó đồng thời khiến khả năng giữ ổn định trong khi bay trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là với dòng tiêm kích cần hoạt động linh hoạt ở nhiều tốc độ và độ cao khác nhau. Do đó, nhà sản xuất có thể phải chấp nhận đánh đổi một số tính năng để xử lý vấn đề này.
Việc bổ sung hệ thống đẩy vector ở động cơ có thể hỗ trợ phần nào, song lại làm tăng chi phí sản xuất, khối lượng tổng thể, độ phức tạp về cơ khí và yêu cầu bảo trì.
Rogoway cho rằng cánh mũi trên F-47 có thể nhằm nâng cao khả năng cơ động của máy bay, đồng thời hé lộ rằng thiết kế này phản ánh quyết định mang tính chiến lược của giới chức Mỹ đối với toàn bộ hệ sinh thái thuộc dự án NGAD, nơi F-47 sẽ đóng vai trò chủ chốt.
Trên thế giới hiện nay, nhiều dòng tiêm kích hiện đại cũng được trang bị cánh mũi như Eurofighter Typhoon, Dassault Rafale, JAS 39 Gripen của châu Âu; các biến thể thuộc dòng Su-27 của Nga như Su-30SM, Su-33, Su-34; cùng với tiêm kích J-10 và J-20 của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của cánh mũi là làm tăng diện tích phản xạ radar, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tàng hình, đặc biệt là khi máy bay bị radar phát hiện từ phía trước. Một ví dụ điển hình là J-20 – mẫu tiêm kích tàng hình đầu tiên của Trung Quốc – bị đánh giá có khả năng tàng hình kém hơn các đối thủ do sử dụng cánh mũi cỡ lớn.
Theo hình ảnh mô phỏng, nhiều khả năng F-47 sẽ dùng cánh mũi cố định nhằm gia tăng lực nâng trong một số điều kiện bay nhất định, thay vì dùng cánh mũi chuyển động như trên J-20 hoặc các dòng tiêm kích thế hệ 4. Việc sử dụng cánh mũi cố định sẽ giúp loại bỏ một biến số khi tính toán diện tích phản xạ radar, đồng thời đơn giản hóa công đoạn tối ưu hóa khả năng tàng hình. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định điều này không nhất thiết mang lại hiệu quả rõ ràng và vẫn là điểm gây tranh cãi.
Theo báo VnExpress