Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin về một cá nhân tên N.N.A bị tố cáo đã từng lôi kéo nhiều người tham gia vào dự án tiền số mang tên SCSJ cách đây khoảng 5 – 6 năm.
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020, giữa lúc thị trường tiền điện tử đang sôi động, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của N.N.A để tham gia đầu tư vào đồng tiền số này, với mức đầu tư tối thiểu là 1.000 USD (tương đương khoảng 25 triệu đồng). Nhà đầu tư được cấp tài khoản và mật khẩu để truy cập vào trang web dự án, đồng thời được hứa hẹn rằng đồng coin sẽ có giá trị tăng gấp 10, thậm chí 100 lần khi được niêm yết trên sàn giao dịch.
Với những lời quảng bá hấp dẫn như vậy, không ít người đã mạnh tay rót từ 5.000 đến 10.000 USD (khoảng 125 đến 250 triệu đồng) vào tài khoản của N.N.A, đồng thời mời gọi bạn bè và người thân cùng tham gia đầu tư vào dự án.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, trang web bất ngờ ngừng hoạt động, nhà đầu tư không thể đăng nhập và đồng tiền SCSJ cũng không được đưa lên sàn như cam kết. Sau đó, N.N.A đã đăng đàn xin lỗi và cho rằng bản thân cũng là nạn nhân bị lừa. Nhiều người lúc bấy giờ đành chấp nhận mất trắng với suy nghĩ đơn giản là “xui rủi”.
Sự việc tưởng chừng đã lắng xuống thì gần đây, N.N.A chia sẻ trên một nhóm mạng xã hội rằng mình đã mua nhà tại Hội An và đang kinh doanh homestay, khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc và nghi ngờ rằng số tiền này có thể bắt nguồn từ hoạt động huy động vốn trong dự án tiền ảo trước đây.
Một người đầu tư cho biết đã chuyển 5.400 USD vào tháng 9 năm 2019 để đầu tư vào SCSJ theo lời mời của N.N.A. Một tháng sau, khi người này đề nghị bán coin thì được trả lời rằng nên chờ giá tăng, nếu có người mua thì sẽ giúp bán hộ. Nhưng không lâu sau, trang web biến mất. Người này chia sẻ: “Tôi phải tự trách bản thân vì đã tin vào những lời mời gọi đầy hấp dẫn từ bạn và anh họ của bạn – những người đã dựng lên dự án này để ‘lùa gà’. Tất cả tin nhắn vẫn còn, nhưng suốt 5 năm qua bạn chưa đưa ra được lời giải thích nào hợp lý”.

Những hình thức lừa đảo tương tự trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã liên tục phát hiện và xử lý nhiều nhóm, cá nhân thực hiện hành vi dụ dỗ và lừa đảo người đầu tư.
Mới đây nhất, vào tháng 2, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) thông báo đã phát hiện vụ lừa đảo liên quan đến hai cá nhân là Đỗ Huy Hoàng và Hoàng Văn Quyết. Hai người này đã phối hợp với một đối tượng người Uzbekistan là Alexsandr Mamasidikov (39 tuổi) để phân phối và rao bán đồng tiền ảo MPX thông qua trang web Crossfi.org, tự quảng bá đây là một dự án hoạt động trong lĩnh vực blockchain toàn cầu.
Nhóm này đã tung ra nhiều thông tin về tiềm năng tương lai của đồng tiền số XFI và lôi kéo người đầu tư mua đồng MPX – đồng tiền được cho là có thể “đào” ra XFI. Họ còn tổ chức các chuyến du lịch sang Dubai, giới thiệu về thẻ visa tích hợp XFI có thể thanh toán tại các siêu thị, cửa hàng… nhằm thuyết phục và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định có khoảng 2.000 người đã sập bẫy đường dây lừa đảo này với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 2.000 tỉ đồng. Theo cơ quan điều tra, CrossFi là tên gọi mới của MinePlex – một nền tảng từng nổi tiếng trong giới đầu tư tiền mã hóa với danh xưng “ngân hàng điện tử phi tập trung”. Nhờ các chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận khủng, hệ thống này đã kêu gọi được hàng triệu USD trong suốt nhiều năm qua.
Từ đầu tháng 3 năm 2025, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ ngành liên quan trình đề án thí điểm quản lý tài sản số. Ngay sau đó, một số đối tượng bắt đầu tung tin trên các diễn đàn đầu tư rằng nên nhanh chóng mua tiền số, bởi khi khung pháp lý được ban hành, Việt Nam sẽ chính thức công nhận, từ đó làm tăng giá trị các đồng tiền này.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh lên tiếng cảnh báo: “Dù không cần biết nhiều về thị trường nhưng bất cứ lời mời gọi nào cam kết lợi nhuận cao gấp ba lần lãi suất ngân hàng đều mang dấu hiệu lừa đảo. Trong đầu tư, không có gì đảm bảo 100% sinh lời”.
Do đó, nhà đầu tư khi tin tưởng cá nhân để góp tiền vào các dự án tiền số vẫn phải chấp nhận rủi ro bị mất trắng mà không được pháp luật bảo vệ. Phần lớn các đồng tiền số do cá nhân phát hành đều không có giá trị nội tại rõ ràng, mù mờ về ứng dụng và khả năng niêm yết trên sàn giao dịch. Mức độ rủi ro vẫn luôn cao như từ trước đến nay, nhất là với những đồng tiền không xuất hiện trên các sàn quốc tế uy tín.
Theo Thanh Niên