Người được nhắc tới chính là Vũ Duệ, tên thật Vũ Nghĩa Chi.

Theo sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Vũ Nghĩa Chi sinh năm 1468 trong gia đình nghèo ở làng Trình Xá, tỉnh Phú Thọ. Tương truyền từ nhỏ, Vũ Nghĩa Chi nổi tiếng thông minh, 7 tuổi đọc thông, viết thạo, biết làm thơ. Người đương thời gọi ông là thần đồng 7 tuổi.

Cuốn Kho tàng về các ông trạng Việt Nam ghi chép, vì nhà nghèo, cha mẹ không đủ tiền cho Vũ Nghĩa Chi ăn học. Gần nhà Nghĩa Chi có một thầy đồ mở lớp dạy học cho lũ trẻ trong làng, cậu thường cõng em đứng ngoài nghe giảng rất chăm chú. Ban đầu thầy đồ cũng không để ý, chỉ cho rằng cậu bé tò mò đứng xem, vài hôm hết hứng là đi chỗ khác chơi ngay.

Nhưng đã hơn nửa năm qua mà cậu bé vẫn không vắng buổi nào khiến thầy đồ dần yêu mến vì lòng hiếu học. Dần thành thói quen, trước khi bắt đầu bài học, thầy lại đưa mắt nhìn ra ngoài cửa, thấy bóng dáng cậu bé cõng em, thầy mới bắt đầu giảng bài.

Vũ Duệ, từ cậu bé nghèo cõng em đi học lỏm thành trạng nguyên đất Việt. (Ảnh minh hoạ)

Vũ Duệ, từ cậu bé nghèo cõng em đi học lỏm thành trạng nguyên đất Việt. (Ảnh minh hoạ)

Sau khi biết hoàn cảnh khó khăn nhà Nghĩa Chi, thầy đồ muốn giúp. Để chắc chắn không nhìn nhầm người, thầy đồ quyết định thử tài bằng câu hỏi khó. Đầu tiên, thầy hỏi các học trò ngồi trong lớp trước, nhưng câu trả lời đều khiến thầy không ưng ý. Cuối cùng, thầy nhìn ra ngoài cửa hỏi cậu trò học lỏm: “Này cậu bé, con có thể trả lời được câu hỏi của ta không?”.

Câu trả lời của Vũ Nghĩa Chi khiến thầy rất hài lòng, các trò trong lớp cũng trầm trồ thán phục. Sau khi biết tên cậu là Nghĩa Chi, thầy đề nghị đổi sang Duệ, bày tỏ ý khen ngợi tài năng. Từ đó, Vũ Duệ trở thành học trò chính thức của thầy đồ.

Vũ Duệ không những học giỏi mà sự thông minh, láu lỉnh cũng hiếm ai bằng. Có lần, bố mẹ đi vắng, một người cùng làng đến đòi nợ, hỏi: "Bố mẹ cháu đâu?". Vũ Duệ đáp: "Bố cháu đi chém cây sống, trồng cây chết. Mẹ cháu đi bán gió, mua que".

Người nọ suy nghĩ mãi vẫn không nghĩ ra bố mẹ cậu bé đi đâu. Căn vặn mãi, Vũ Duệ chỉ cười, mà không đáp. Người khách không nhịn nổi tò mò mới dỗ dành: "Cháu cứ nói thật đi, ta sẽ xóa nợ cho".

Nghe thế, Vũ Duệ chạy tót ra ngoài vườn, lấy một cục đất sét, bảo khách in tay vào để làm tin. Sau đó, cậu giải thích: "Cha cháu đi nhổ mạ cấy lúa, đấy chẳng là chém cây sống trồng cây chết là gì. Còn mẹ cháu đi bán quạt, rồi mua tre về để đan quạt, thế là đi bán gió mua que".

Người khách chịu Vũ Duệ thông minh, bèn bỏ về. Hôm sau, ông lại đến đòi nợ. Vũ Duệ đưa hòn đất có dấu tay in nói: "Hôm trước, ông điểm chỉ vào đây rồi, còn đòi gì nữa". Người khách ngẩn người ra, đành thôi không đòi nữa, còn món nợ thì xin giúp Vũ Duệ để mua sách vở học.

Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), dưới thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Duệ đỗ trạng nguyên khi mới 22 tuổi. Sau đó, Vũ Duệ được triều đình bổ nhiệm chức Tham chính xứ Hải Dương, rồi dần thăng qua nhiều chức vụ quan trọng, như Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ nhập thị Kinh diên, hàm Thiếu bảo, tước Trình Khê hầụ, và được ban phong là Trinh ý công thần.

Vũ Duệ tính cương trực thẳng thắn, được vua Lê tin dùng, các quan đồng triều ai cũng kính nể. Trong hơn 30 năm làm quan, ông phục vụ hơn 6 đời vua Lê: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông.

Khi Mạc Đăng Dung thao túng triều đình, lập bè kết đảng có ý nhòm ngó ngôi vua, nhiều kẻ xu nịnh vội ngả theo mong có được địa vị, bổng lộc. Riêng Vũ Duệ vẫn giữ khí tiết của kẻ sĩ, quyết trung thành với với vua Lê Chiêu Tông.

Bấy giờ vua Lê Chiêu Tông lo sợ thế lực của họ Mạc nên đến tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1522) bí mật thoát khỏi Thăng Long chạy vào Thanh Hóa. Vũ Duệ cùng một số người theo hộ giá nhưng không kịp. Đến cửa biển Thần Phù không tìm được vua, ông treo ấn Ngự sử vào cổ, quay mặt về Lam Kinh bái lạy lăng miếu các vua Lê rồi tự tử để tỏ lòng trung nghĩa.

Đời vua Lê Huyền Tông, triều đình nhà Lê bàn công lao, xếp Vũ Duệ đứng đầu trong số 13 người công thần tử tiết. Vua xuống chiếu cho lập đền thờ và phong Vũ Duệ làm Thượng đẳng phúc thần. 

Kim Nhã