Tỷ phú Elon Musk đang áp đặt ảnh hưởng và quyền lực tới hàng loạt cơ quan chính phủ Mỹ với tốc độ và cường độ chưa từng có tiền lệ.

Hai tuần kể từ khi tỷ phú Elon Musk được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm "nhân viên chính phủ đặc biệt", đội ngũ trong Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) của ông đã có thể tiếp cận những hệ thống dữ liệu và tài chính nhạy cảm nhất với tốc độ chóng vánh, gạt sang bên cảnh báo từ các viên chức chuyên nghiệp rằng họ đang phá vỡ những quy trình quan trọng.

Nhóm của Musk đã nhanh chóng hành động để đóng cửa hàng loạt chương trình liên bang. Thậm chí, toàn bộ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đơn vị chịu trách nhiệm tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển trên toàn thế giới, đang nằm trong tầm ngắm của ông và đối mặt nguy cơ đóng cửa.

Elon Musk đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump tại Washington ngày 20/1. Ảnh: Reuters

Elon Musk đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump tại Washington ngày 20/1. Ảnh: Reuters

Được Tổng thống Trump trao quyền, Musk đã tiến hành một "cuộc chinh phạt" thần tốc, không giới hạn chống lại bộ máy quan liêu liên bang mà theo giới chuyên gia có thể gây ra những hệ lụy sâu rộng.

Những hành động quyết liệt của tỷ phú giàu nhất thế giới nhằm vào các cơ quan chính phủ đã thách thức thẩm quyền quốc hội và có nguy cơ xâm phạm tới các biện pháp bảo vệ giới công chức Mỹ. Nó cũng là bằng chứng cho thấy quyền lực mà một cá nhân nhận được từ "cái bóng" của ông chủ Nhà Trắng có thể lớn đến mức nào.

Tốc độ và quy mô chiến dịch của Musk đã gây sốc cho các công chức, những người vẫn chưa thể hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra với hệ thống của mình.

Theo hai công chức giấu tên, các nhân viên cấp cao Nhà Trắng đôi khi cũng thấy mơ hồ về quyền lực thực sự của Musk. Một trợ lý của Tổng thống Trump cho biết Musk hiện hoạt động với mức độ tự chủ mà hầu như không ai có thể kiểm soát được.

Musk, lãnh đạo duy nhất của DOGE, cơ quan được lập ra nhằm tinh giản bộ máy chính phủ Mỹ, hôm 1/2 khoe rằng việc ông sẵn sàng làm việc vào các ngày nghỉ cuối tuần là "siêu năng lực" giúp ông có lợi thế hơn đối thủ. Đối thủ mà ông nhắc đến chính là các công chức liên bang.

"Rất ít người trong bộ máy hành chính thực sự làm việc vào cuối tuần. Điều đó giống như việc đội đối thủ rời sân trong hai ngày!", ông đăng trên X.

Theo giới phân tích, chưa một nhân viên chính phủ Mỹ nào có mức độ xung đột lợi ích chồng chéo như Musk. Và cũng chưa một người nào không phải viên chức chuyên nghiệp toàn thời gian nhưng lại có khả năng định hình lại lực lượng lao động liên bang như vậy.

Nhà sử học Douglas Brinkley mô tả Musk là một "chiến binh đơn độc" với năng lực vô hạn, hoạt động "ngoài tầm giám sát" của bất kỳ tổ chức nào trong bộ máy chính quyền Mỹ.

"Không một thực thể nào có thể buộc Musk phải chịu trách nhiệm. Đó là điềm báo về nguy cơ hủy diệt các thể chế cơ bản của chúng ta", ông nói.

Tổng thống Trump hôm 3/2 đưa ra một thông điệp đáng chú ý khi ông nói trước báo giới rằng Musk "không thể làm và sẽ không làm bất cứ điều gì nếu không được chúng tôi chấp thuận".

"Nếu có xung đột, chúng tôi sẽ không để cậu ấy đến gần", ông cho biết thêm.

Dù vậy, Tổng thống vẫn trao cho Musk quyền lực to lớn đối với bộ máy hành chính, đôi khi gây ra xung đột lợi ích. Musk không chỉ định hình chính sách mà còn tham gia cả vào các quyết định nhân sự, trong đó có việc thúc đẩy Tổng thống Trump chọn Troy Meink làm Bộ trưởng Không quân, theo ba nguồn tin am hiểu vấn đề.

Meink từng điều hành Văn phòng Trinh sát Quốc gia Lầu Năm Góc, nơi đã giúp SpaceX của Musk có được hợp đồng xây dựng, triển khai mạng lưới vệ tinh do thám cho chính phủ liên bang trị giá hàng tỷ USD.

Các nhân viên tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower, nơi đặt một số đơn vị thuộc Cơ quan Dịch vụ Kỹ thuật số Mỹ, đã đến công sở vào ngày sau lễ nhậm chức của ông Trump và nhìn thấy tờ giấy nhớ có ghi chữ "DOGE" trên cánh cửa một phòng làm việc.

Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy nhóm Musk đã đến. Bên trong, những chiếc ba lô màu đen nằm rải rác trên sàn và những thanh niên xa lạ đi lang thang trên hành lang, không đeo thẻ an ninh mà các nhân viên liên bang thường mang theo để vào văn phòng.

Cuộc tiếp quản nhanh chóng này tương tự chiến thuật mà Musk đã sử dụng trong khu vực tư nhân, nơi ông được mô tả là một người "cắt giảm chi phí đến mức tàn nhẫn", với triết lý rằng tốt hơn nên cắt giảm sâu và giải quyết mọi vấn đề phát sinh sau này.

Musk thường xuyên thúc đẩy nhân viên của mình bỏ qua các quy định mà ông coi là "ngu ngốc". Và ông nổi tiếng về mức độ chấp nhận rủi ro cực cao, đẩy cả Tesla và SpaceX đến bờ vực phá sản trước khi đạt được thành công.

Trong vai trò hiện tại, Musk thường xuyên kết nối trực tiếp với Tổng thống Trump. Ông thường vào Nhà Trắng qua cổng phụ và tham dự các cuộc họp. Ông có mối quan hệ chặt chẽ với Stephen Miller, cố vấn chính sách hàng đầu cho Tổng thống.

Có lần, Musk còn tìm cách ngủ qua đêm tại Nhà Trắng. Ông đã tìm kiếm và được cấp một văn phòng ở Cánh Tây, nhưng nói với mọi người rằng nó quá nhỏ. Kể từ đó, ông đã khoe với bạn bè rằng đang sử dụng Phòng Bộ trưởng Chiến tranh trong Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower.

Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, về mặt chính thức, Musk đang phục vụ với tư cách một "nhân viên chính phủ đặc biệt". Đây là vai trò thường được trao cho các cố vấn bán thời gian, bên ngoài chính phủ liên bang, những người đưa ra lời khuyên dựa trên chuyên môn từ khu vực tư nhân.

Nhà Trắng từ chối xác nhận liệu Musk có được quyền miễn trừ cho phép ông tham gia vào các cơ quan ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của ông hay không. Ngay cả khi ông được miễn trừ như vậy, 4 cựu luật sư đạo đức Nhà Trắng cho hay họ không thể hình dung quy định miễn trừ sẽ được xây dựng thế nào để bao trùm phạm vi công việc mà ông đang giám sát.

Trong một tuyên bố, Leavitt khẳng định Musk "vẫn tuân thủ mọi luật liên bang hiện hành".

Tỷ phú từng nói với các quan chức chính quyền Trump rằng để hoàn thành sứ mệnh cắt giảm đáng kể chi phí, họ cần tiếp cận hệ thống lưu trữ dữ liệu và thông tin chi tiết về nhân sự cũng như hệ thống phân phối ngân sách liên bang.

Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia ngân sách, ông cuối cùng tập trung vào một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng quốc gia: Hệ thống Chi trả Liên bang (FPS) của Bộ Tài chính, vốn giải ngân hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.

Theo một quan chức từng thảo luận với Musk, tỷ phú đã nói với các viên chức hành chính rằng ông nghĩ họ có thể chống thâm hụt ngân sách nếu loại bỏ được những khoản thanh toán "gian lận" khỏi hệ thống.

Không rõ ông dựa vào đâu để đưa ra tuyên bố trên. Khoản thâm hụt liên bang của Mỹ năm 2024 là 1,8 nghìn tỷ USD. Văn phòng Trách nhiệm Giải trình ước tính chính phủ Mỹ đã thực hiện các khoản thanh toán không đúng quy định với giá trị lên tới 236 tỷ USD trên 71 chương trình liên bang trong năm tài khóa 2023. 3/4 trong số này là các khoản thanh toán vượt mức.

Nỗ lực can thiệp vào FPS của Musk đã châm ngòi cuộc đối đầu căng thẳng vào tuần trước khi David Lebryk, trợ lý Bộ trưởng Tài chính chuyên trách tài khóa, phản đối các đại diện của DOGE tiếp cận hệ thống chi trả liên bang. Lebryk sau đó phải tuyên bố nghỉ hưu sau khi bị dọa sa thải. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cuối cùng vẫn chấp thuận cấp quyền truy cập FPS cho nhóm Musk.

Ông Trump chào đón Musk tại một cuộc mít tinh ở Washington hôm 19/1. Ảnh: Reuters

Ông Trump chào đón Musk tại một cuộc mít tinh ở Washington hôm 19/1. Ảnh: Reuters

FPS là hệ thống độc quyền của Bộ Tài chính do một nhóm nhỏ công chức chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn cao điều hành để thanh toán các nghĩa vụ tài chính quốc gia.

Một số nhân viên Bộ Tài chính, cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu, đã cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng khi những người bên ngoài như Musk và nhóm của ông tiếp cận được hệ thống này, từ sai lầm dẫn đến việc các nghĩa vụ tài chính quan trọng không được thanh toán cho đến vỡ nợ liên bang.

Tuy nhiên, Leavitt cho biết quyền truy cập mà họ được cấp mới là "chỉ có thể đọc", đồng nghĩa họ không thể tác động đến những khoản thanh toán.

Đảng Dân chủ hôm 3/2 tuyên bố họ sẽ tìm cách ngăn cản nhóm Musk tham gia vào hệ thống thanh toán tại Bộ Tài chính. "Bộ trưởng Tài chính phải thu hồi quyền truy cập của DOGE vào hệ thống thanh toán ngay lập tức", nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, nói. "Nếu ông ấy không làm vậy, quốc hội phải hành động ngay tức khắc".

Một kênh quan trọng khác là cơ sở dữ liệu nhân sự chính phủ, do Văn phòng Quản lý Nhân sự điều hành, nơi Musk đã nhanh chóng khẳng định ảnh hưởng của mình. Theo các nguồn thạo tin, ít nhất 5 người từng làm việc cho Musk đang nắm giữ các vai trò quan trọng tại văn phòng này.

Tuần trước, Văn phòng Quản lý Nhân sự đã gửi một email cho khoảng hai triệu nhân viên liên bang, cung cấp cho họ tùy chọn thôi việc nhưng vẫn được trả lương đến hết tháng 9. Dòng tiêu đề của email, "Thời điểm quyết định", tương tự thông điệp mà Musk đã sử dụng trong email ông gửi tới nhân viên Twitter để cung cấp cho họ các gói thôi việc vào cuối năm 2022.

Từ đó đến nay, Musk liên tục quảng bá nó trên mạng xã hội, gọi đây là lời đề nghị "rất hào phóng".

Ông chủ Tesla còn đang tỏ ra hứng thú với Cơ quan Dịch vụ Công (GSA), nơi có nhiệm vụ quản lý và điều hành các vấn đề về hành chính và nguồn lực cho những cơ quan liên bang khác. Chức năng chính của GSA là quản lý bất động sản, mua sắm hàng hóa, dịch vụ, quản lý công nghệ thông tin, vận chuyển và hậu cần.

Trong chuyến thăm GSA tuần trước, Musk đã nói chuyện với Stephen Ehikian, giám đốc điều hành mới của cơ quan.

Sau cuộc họp, các quan chức GSA đã bắt đầu thảo luận về kế hoạch cắt giảm ngân sách 50%, theo những người biết rõ về cuộc thảo luận. Ehikian đã nói với các nhân viên rằng ông muốn họ áp dụng một kỹ thuật gọi là "ngân sách dựa trên số không", cách tiếp cận mà Musk đã triển khai trong quá trình tiếp quản Twitter hay tại các công ty khác của ông. Ý tưởng là giảm chi tiêu của một chương trình hoặc hợp đồng xuống mức 0, sau đó thảo luận để có được số tiền tối thiểu cần thiết.

Nhưng có lẽ gây chú ý hơn cả là việc Musk đang tìm cách phá bỏ USAID. Tổng thống Trump đã đóng băng các khoản viện trợ nước ngoài, song Musk còn muốn đi xa hơn thế.

"Chúng tôi đã dành cả cuối tuần để đưa USAID vào máy nghiền gỗ", Musk viết trên X sáng 3/2.

Ông trước đó gọi USAID là "tổ chức tội phạm", cáo buộc cơ quan này tham gia các hoạt động bất chính. Tổng thống Trump cũng lên án, cho rằng USAID do "những kẻ điên cuồng cực đoan" điều hành.

Musk cũng sử dụng chiến thuật tương tự trong quá trình tiếp quản Twitter năm 2022, trong đó ông mô tả ban quản lý trước đây của công ty là độc ác và nhiều nhân viên công ty kém cỏi khi phản đối những mục tiêu ông đề ra. Khi sa thải các giám đốc điều hành Twitter và giữ lại các gói trợ cấp thôi việc của họ, ông cáo buộc một số người tham nhũng và công kích cá nhân họ trên mạng xã hội.

Chiến thuật nhóm Musk đang áp dụng đã khiến các nhân viên liên bang rơi vào hoang mang, sợ lên tiếng và không chắc chắn về tương lai của mình.

Các quan chức Mỹ cho biết hôm 27/1, một số thành viên trong nhóm Musk đã vào trụ sở và tòa nhà phụ gần đó của USAID ở trung tâm Washington.

Người biểu tình phản đối Elon Musk bên ngoài trụ sở của USAID ở Washington hôm 3/2. Ảnh: Reuters

Người biểu tình phản đối Elon Musk bên ngoài trụ sở của USAID ở Washington hôm 3/2. Ảnh: Reuters

Họ yêu cầu và được cấp quyền truy cập vào hệ thống tài chính - nhân sự của cơ quan. Trong thời gian này, một quản lý tạm quyền tại USAID đã cho khoảng 60 viên chức cấp cao nghỉ phép có lương và ban hành lệnh đình chỉ công việc, khiến hàng trăm nhà thầu có việc làm toàn thời gian và phúc lợi y tế bị sa thải.

Cuối tuần trước, trang web của USAID biến mất. Và khi hai giám đốc an ninh cấp cao USAID cố gắng ngăn cản các thành viên trong nhóm Musk vào khu vực an ninh để lấy tài liệu mật hôm 1/2, họ đã bị đình chỉ công tác.

Đến ngày 3/2, USAID đã bị tê liệt hoàn toàn. Trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên X sáng sớm cùng ngày, Musk cho biết Tổng thống đã đồng ý về việc "chúng ta nên đóng cửa nó".

Trong những cuộc trò chuyện riêng tư, Musk đã nói với bạn bè rằng ông coi thước đo cuối cùng cho thành công của mình là số USD tiết kiệm được mỗi ngày và ông đang sắp xếp các ý tưởng dựa trên tiêu chí đó.

"Càng hiểu rõ Tổng thống Trump, tôi càng thích ông ấy. Thành thật mà nói, tôi yêu quý ông ấy", Musk cho biết qua một cuộc trò chuyện trực tiếp trên X vào sáng sớm 3/2. "Đây là cơ hội của chúng ta. Đây là ván bài tốt nhất mà chúng ta từng có".

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters, Politico)