Tại Sở thú Philadelphia ở bang Pennsylvania, Mỹ, một sự kiện đáng chú ý đã diễn ra khi cụ rùa khổng lồ thuộc loài rùa Tây Santa Cruz Galápagos (Chelonoidis niger porteri) có tên Mommy lần đầu tiên sinh con ở tuổi 100. Cụ rùa này đã sống tại sở thú từ năm 1932, tức là hơn 90 năm trong môi trường nuôi nhốt.
Loài rùa Tây Santa Cruz Galápagos hiện đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp tại quần đảo Galápagos, quê hương của chúng, với số lượng dưới 50 cá thể được nuôi tại các sở thú ở Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên trong hơn 150 năm lịch sử của Sở thú Philadelphia, họ đã ấp thành công trứng của loài rùa hiếm này.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sở thú Philadelphia, bà Jo-Elle Mogerman, cho biết: “Mommy được đưa đến sở thú vào năm 1932, đồng nghĩa với việc bất kỳ ai ghé thăm sở thú trong 92 năm qua đều có thể đã nhìn thấy cụ rùa này”.
Rùa khổng lồ Tây Santa Cruz Galápagos là một phân loài của rùa khổng lồ Galápagos, loài rùa lớn nhất thế giới. Con đực thường lớn hơn con cái, có thể đạt chiều dài khoảng 1,8 mét và nặng tới 260 kg khi trưởng thành.
Hoạt động của con người tại quần đảo Galápagos đã dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài rùa và đẩy rùa khổng lồ Tây Santa Cruz Galápagos đến bờ vực tuyệt chủng. Mommy tham gia vào chương trình nhân giống tại các sở thú Mỹ nhằm bảo vệ loài rùa này khỏi nguy cơ biến mất.
Sau gần một thế kỷ, Mommy cuối cùng cũng trở thành mẹ khi lần đầu tiên được ghép đôi với rùa đực tên Abrazzo, cũng khoảng 100 tuổi. Tổng cộng, Mommy đã đẻ 16 trứng vào tháng 11 năm 2024, và các trứng này được ấp nhân tạo với nhiệt độ được kiểm soát chính xác để đảm bảo số lượng rùa đực và cái nở ra đồng đều.
Giới tính của rùa Galápagos phụ thuộc vào nhiệt độ ấp trứng. Nhiệt độ dưới 28 độ C sẽ cho ra rùa đực, trong khi nhiệt độ trên 29,5 độ C sẽ cho ra rùa cái. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có các trứng được ấp ở nhiệt độ cho rùa cái đã nở.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cụ rùa đực Abrazzo đã được đưa về nơi ở cũ.
Theo Thanh Niên