Trước lo ngại giá cả leo thang do các mức thuế nhập khẩu mới được công bố, nhiều người dân Mỹ đã nhanh chóng tích trữ bia, mua sắm quần áo, tivi, máy tính xách tay và cả xe ô tô ngay sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo áp dụng mức thuế đối ứng.
John Gutierrez, cư dân tại Austin, bang Texas, đã cân nhắc việc mua một chiếc laptop mang thương hiệu Đài Loan trong suốt cả năm để phục vụ công việc nhiếp ảnh của mình. Tuy nhiên, quyết định mua hàng chỉ được đưa ra vào ngày 2 tháng 4, khi ông Trump công bố áp thuế nhập khẩu trên diện rộng, trong đó có mức thuế đối ứng 32% đối với hàng hóa từ Đài Loan.
Ngay trong ngày, ông Gutierrez đã quyết định chi 2.400 USD để mua chiếc laptop tại New York. “Tôi nghĩ mình nên quyết đoán, vừa để sở hữu công nghệ mới nhất vừa tránh phải gánh thuế nhập khẩu,” ông chia sẻ.
Tại bang Texas, Cedar Roach – sinh viên Đại học Southern Methodist – cũng không chần chừ khi thanh toán đơn hàng trị giá 244 USD gồm quần áo từ thương hiệu Canada Lululemon và một chiếc áo len 150 USD của House of Sunny, một thương hiệu thời trang đến từ Anh.
Khi cuộc họp báo về thuế đối ứng của ông Trump được phát trực tiếp trên radio ngày 2 tháng 4, bạn trai của cô – Sean MacKenzie – đã vội vã ra ngoài mua ba lốc bia, mỗi lốc tám lon, rồi chất đầy vào ngăn đựng rau trong tủ lạnh. “Tôi biết rõ đâu là những món hàng dễ bị tác động và đâu là thứ mình cần, nên tôi không chần chừ,” Roach khẳng định.

Từ tháng trước, nhiều người dân Mỹ đã bắt đầu lo ngại về các đợt công bố thuế quan của Tổng thống Trump. Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan thực hiện trong tháng 3 cho thấy kỳ vọng lạm phát đã tăng vọt. Tuy vậy, phần đông vẫn giữ thái độ dè chừng và chờ đợi trước khi quyết định điều chỉnh hành vi chi tiêu, bởi họ cho rằng các lời đe dọa thương mại chỉ là chiêu bài đàm phán.
Tuy nhiên, đến ngày 2 tháng 4, mối lo ngại ấy đã trở thành hiện thực. Trên mạng xã hội, tỷ phú Mark Cuban đã kêu gọi người tiêu dùng tranh thủ mua sắm càng sớm càng tốt. “Từ kem đánh răng đến xà phòng, bất cứ thứ gì bạn còn chỗ để cất, hãy mua ngay trước khi siêu thị phải bổ sung hàng tồn kho,” ông viết. Theo Cuban, ngay cả hàng hóa được sản xuất trong nước cũng sẽ chịu ảnh hưởng giá cả vì tác động dây chuyền từ thuế quan.
Lời khuyên này đã được một bộ phận người tiêu dùng hưởng ứng nhanh chóng. Tại các siêu thị và cửa hàng điện tử, nhiều khách hàng đẩy xe mua sắm chất đầy hàng hóa.
Noel Peguero, 50 tuổi, đã quyết định hành động từ đêm ngày 2 đến sáng ngày 3 tháng 4. Ông cho biết mình đã chi khoảng 3.000 USD cho các mặt hàng điện tử, phụ tùng ô tô, dụng cụ làm vườn và nhiều thiết bị gia dụng khác. “Giờ là thời điểm để mua sắm,” ông nói khi bê một chiếc tivi hiệu Hisense – thương hiệu Trung Quốc – loại 40 inch lên xe tại New York. Để mua được chiếc tivi có giá 217 USD này, ông đã phải tìm đến cửa hàng thứ ba, vì hai nơi trước đó đã hết hàng.

Ở Arlington, bang Virginia, ông Rob Blackwell và vợ cần một chiếc ô tô mới để chuẩn bị cho những chuyến đi xa, bởi chiếc xe hiện tại đã cũ và sắp được chuyển giao cho con gái. “Tôi nói với vợ rằng sớm muộn gì cũng phải đổi xe, và tôi đang theo dõi xem Tổng thống sẽ làm gì với thuế nhập khẩu,” ông kể.
Lần này, thay vì mua xe, vợ chồng ông Blackwell chọn hình thức thuê để tiết kiệm và phù hợp hơn với tốc độ đổi mới công nghệ. Họ nhắm tới mẫu General Motors Optiq – được lắp ráp tại Mexico – một mẫu xe có thể bị ảnh hưởng bởi các mức thuế mới. Ngay sau khi nghe tin về lệnh thuế, họ lập tức ký hợp đồng thuê xe. Đại lý vẫn giữ nguyên các điều khoản đã thỏa thuận trước thời điểm thuế được công bố. “Nếu chính phủ đã chọn con đường đó, tôi phải hành động ngay,” ông Rob khẳng định.
Trong khoảng ba ngày sau thông báo áp thuế đối ứng, nhiều người dân Mỹ đã gấp rút mua sắm để tránh giá cả tăng cao. Trong khi đó, một số khác vẫn tiếp tục thói quen mua sắm bình thường và cho biết họ sẽ đối phó với tình hình nếu có thay đổi về giá.
Chính phủ Mỹ kỳ vọng việc áp dụng các mức thuế này sẽ tạo áp lực lên các quốc gia khác phải mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ, từ đó thúc đẩy đàm phán thương mại để giảm thuế hoặc khiến các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất trong nước nhằm né tránh thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, giới kinh tế cảnh báo các chính sách thuế quan này sẽ gây ra hệ quả là giá tiêu dùng hàng ngày tăng lên.
Theo VnExpress