Giá vàng tăng mạnh khiến nhiều khách hàng châu Á do dự khi mua trang sức cưới, thay vào đó họ chọn đổi trang sức cũ hoặc mua sản phẩm nhẹ hơn.
Tại Ấn Độ, dù đang trong mùa cưới cao điểm, lượng khách đến các tiệm trang sức giảm hơn một nửa so với bình thường.
Cô dâu tương lai Vaishnavi M ở bang Kerala quyết định đổi trang sức cũ của mẹ để lấy món mới, nhằm giảm chi phí. Cô chia sẻ: “Giá quá cao khiến tôi không thể cân đối ngân sách cưới. Tôi sẽ đổi một số món trang sức cũ của mẹ.”
Ngày 14 tháng 3, giá vàng thế giới lần đầu vượt mốc 3.000 USD mỗi ounce và tiếp tục tăng, đạt mức tăng hơn 15% từ đầu năm. Tại Ấn Độ, giá vàng tăng hơn 32% kể từ tháng 7 năm ngoái, đạt kỷ lục 89.796 rupee (1.050 USD) mỗi 10 gram.

Prithviraj Kothari, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng & Trang sức Ấn Độ (IBJA), cho biết nếu giá duy trì ở mức cao, nhu cầu vàng của Ấn Độ có thể giảm hơn 30% trong năm 2025. Ông nhận xét: “Người mua đang chật vật theo kịp đà tăng giá, trong khi ngân sách của họ không tăng tương ứng.”
Tại Dubai, các trung tâm trang sức cũng ghi nhận nhu cầu giảm. Một nhà buôn vàng cho biết: “Nhiều du khách Ấn Độ thường đến Dubai để mua vàng tránh thuế nhập khẩu, nhưng giờ họ cũng dè dặt hơn”.
Andrew Naylor, Giám đốc khu vực Trung Đông và Chính sách công của Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết khoảng 60% nhu cầu vàng tại UAE là vàng trang sức. Khi giá cao, khách hàng chuyển sang mua sản phẩm trọng lượng thấp hơn.
Tại Trung Quốc, xu hướng mua sắm ảm đạm từ năm 2024 vẫn tiếp diễn. Các cửa hàng trang sức áp thêm phí gia công, khiến nhiều người chuyển sang mua vàng miếng và vàng thỏi thay cho nữ trang.
Peter Fung, Giám đốc giao dịch tại Wing Fung Precious Metals, cho biết: “Nhiều khách hàng có nhu cầu nắm giữ vàng vật chất muốn chuyển sang mua vàng miếng và vàng thỏi thay cho nữ trang.”
Tại Singapore, người tiêu dùng chuyển sang trang sức giá rẻ hơn. Brian Lan, Giám đốc điều hành GoldSilver Central, cho biết gần đây có khoảng 5 cửa hàng mở ở khu Chinatown để bán bạc mạ vàng. Ông cũng nhận thấy một số khách hàng mang những món trang sức không còn đeo hoặc bị hỏng đến thanh lý.
Tại Ấn Độ, thương nhân Unmesh Patel thu về lợi nhuận hơn 25% khi bán bốn đồng xu vàng 10 gram mua chưa đầy 7 tháng trước. Ông quyết định bán thay vì chờ giá tăng cao hơn nữa.
Dù vậy, các thương nhân vẫn lạc quan về nhu cầu vàng trang sức dài hạn. Tiến sĩ Saurabh Gadgil, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PNG Jewellers, cho biết mỗi khi giá vàng tăng mạnh, người tiêu dùng có xu hướng đổi vàng cũ lấy trang sức mới để duy trì thanh khoản và khả năng sở hữu kim loại quý. Ông kỳ vọng với các lễ hội quan trọng sắp đến như Gudi Padwa và Akshay Tritiya, cùng mùa cưới sôi động, nhu cầu sẽ duy trì ở mức cao, vì tại Ấn Độ, việc mua vàng phần lớn bị chi phối bởi yếu tố tâm lý hơn là giá cả.
Suvankar Sen, CEO Senco Gold & Diamonds, cho biết giá vàng tăng chưa tác động đáng kể đến nhu cầu mua trang sức cưới. Trước những bất ổn toàn cầu, ông dự báo giá vàng có thể tiếp tục tăng nhờ vai trò tài sản trú ẩn an toàn.
Theo báo VnExpress