Theo báo cáo từ Cục Thống kê công bố ngày 6 tháng 4 năm 2025, cả nước hiện có khoảng 1,35 triệu thanh niên trong độ tuổi 15 đến 24 không có việc làm và không tham gia học tập hay đào tạo, chiếm 10,4% tổng số thanh niên.
So với quý trước, con số này tăng thêm 84.400 người, nhưng giảm 66.900 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị, lần lượt là 11,7% và 8,2%; phân theo giới tính, nữ chiếm 11,5% và nam là 9,3%.
Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi này đạt 7,93%, giảm nhẹ so với quý trước và cùng kỳ năm 2024, nhưng mức giảm không đáng kể.

Trong ba tháng đầu năm, tình hình lao động và việc làm duy trì theo xu hướng thường thấy trong quý có Tết Nguyên đán, với lực lượng lao động và tỷ lệ thất nghiệp đều giảm so với quý IV năm 2024, nhưng tăng so với cùng kỳ năm trước. Số lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,9 triệu người, tăng 532.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động có việc làm ước tính là 51,9 triệu người, giảm 234.000 người so với quý IV năm 2024. Xét theo khu vực kinh tế, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với 40,7%, tương đương 21,1 triệu người có việc làm, tăng gần 600.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,3%, tương đương 17,3 triệu người; nông, lâm, thủy sản chiếm 26%, tương đương 13,5 triệu người, cả hai khu vực này đều giảm so với cùng kỳ.
Thu nhập bình quân của lao động trong quý I năm 2025 đạt 8,3 triệu đồng mỗi tháng, tăng 131.000 đồng (1,6%) so với quý trước và tăng 720.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập bình quân của lao động thành thị cao hơn gần 1,4 lần so với nông thôn, lần lượt là 10,1 triệu đồng và 7,2 triệu đồng. Con số này bao gồm tiền công, tiền lương, lợi nhuận, tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, phụ cấp nghề và các khoản phúc lợi khác trong tháng trước thời điểm điều tra.
Xét theo vùng kinh tế – xã hội, thu nhập bình quân của lao động đều tăng ở các vùng. Đặc biệt, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung ghi nhận mức tăng cao nhất, đạt 7,3 triệu đồng mỗi tháng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Một số địa phương có mức tăng thu nhập đáng kể như Vĩnh Phúc đạt 9,9 triệu đồng mỗi tháng, tăng 1 triệu đồng; Hưng Yên 9,2 triệu đồng, tăng 949.000 đồng; Hải Dương 8,8 triệu đồng, tăng 841.000 đồng; Thanh Hóa 7,8 triệu đồng, tăng 1,1 triệu đồng; Nghệ An 7,2 triệu đồng, tăng 1,4 triệu đồng; Quảng Bình 7 triệu đồng, tăng 871.000 đồng.
Theo khu vực kinh tế, lao động trong lĩnh vực dịch vụ có thu nhập cao nhất, đạt 9,9 triệu đồng mỗi tháng, tăng 832.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái; nông, lâm, thủy sản đạt 4,9 triệu đồng, tăng 434.000 đồng; công nghiệp và xây dựng đạt 9,1 triệu đồng, tăng 690.000 đồng.
Một số ngành kinh tế ghi nhận mức thu nhập khá so với cùng kỳ năm ngoái, như sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước đạt 12,3 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,1 triệu đồng, tăng 667.000 đồng; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 13,9 triệu đồng, tăng 800.000 đồng.
Theo VnExpress