Theo dự thảo Nghị quyết đang được Bộ Nội vụ xây dựng, có 11 địa phương cấp tỉnh được đề xuất giữ nguyên hiện trạng hành chính, không thực hiện sáp nhập trong giai đoạn tới. Danh sách này bao gồm: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trong khi đó, 52 tỉnh, thành phố còn lại – trong đó có các đô thị lớn như TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ – sẽ nằm trong diện xem xét sắp xếp lại theo các tiêu chí cụ thể.
Việc tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã được căn cứ theo ba nhóm tiêu chuẩn: diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc. Căn cứ này được quy định tại Nghị quyết số 1211, đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2022 bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, các tỉnh miền núi và vùng cao cần có diện tích từ 8.000 km² trở lên, dân số tối thiểu 900.000 người. Đối với các tỉnh khác, yêu cầu là diện tích từ 5.000 km² và dân số từ 1,4 triệu người.

Riêng thành phố trực thuộc trung ương, tiêu chuẩn là diện tích từ 1.500 km² và dân số từ 1 triệu người. Ngoài ra, tất cả tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đều phải có ít nhất 9 đơn vị hành chính cấp huyện.
Các địa phương chưa đạt đủ các tiêu chuẩn này sẽ thuộc diện phải sáp nhập. Việc sắp xếp phải đảm bảo các nguyên tắc về sự tương đồng văn hóa, lịch sử, dân tộc, sự gắn kết cộng đồng dân cư, đồng thời xét đến điều kiện địa lý, hạ tầng giao thông, không gian phát triển kinh tế và khả năng hỗ trợ lẫn nhau.
Yếu tố an ninh quốc phòng cũng được đặt lên hàng đầu, đặc biệt tại các khu vực trọng yếu như vùng biên giới và hải đảo. Ngoài ra, quá trình sắp xếp còn phải cân nhắc đến năng lực điều hành của chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo dự thảo, sau khi tiến hành sáp nhập, nếu hai tỉnh gộp lại thì vẫn được gọi là “tỉnh”, còn nếu một tỉnh sáp nhập vào thành phố trực thuộc trung ương thì đơn vị mới vẫn giữ tên là “thành phố trực thuộc trung ương”.
Dự thảo cũng liệt kê các trường hợp ngoại lệ được giữ nguyên hiện trạng, như các đơn vị hành chính có vị trí biệt lập, khó kết nối giao thông hoặc giữ vai trò chiến lược về quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia.
Cùng với việc tổ chức lại cấp tỉnh, Bộ Nội vụ cũng đề xuất sắp xếp lại hệ thống đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước. Trong tổng số 10.035 xã, phường, thị trấn hiện có, dự kiến có tới 9.996 đơn vị sẽ phải rà soát và sắp xếp lại, với mục tiêu giảm xuống còn dưới 3.000 đơn vị.
Các xã thuộc diện sáp nhập là những nơi có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số thấp hơn 300% mức tối thiểu quy định trong Nghị quyết 1211. Quá trình sắp xếp cần cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù như văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán, vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế – xã hội, khả năng liên kết vùng và điều kiện tự nhiên.
Ngoài ra, các yếu tố về quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông và khả năng ứng dụng công nghệ vào quản lý cũng là những tiêu chí quan trọng trong quá trình đánh giá. Trường hợp việc sáp nhập liên quan đến từ bốn xã trở lên, các tiêu chuẩn về diện tích và dân số sẽ không bắt buộc, nhằm tạo điều kiện linh hoạt hơn trong quá trình tổ chức lại.
Tuy nhiên, mục tiêu tổng thể vẫn là giảm 70–75% số lượng đơn vị cấp xã hiện nay, qua đó làm cơ sở chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh – xã), thay cho mô hình ba cấp (tỉnh – huyện – xã) hiện hành.
Việc sáp nhập sẽ được triển khai trên nguyên tắc giữ ổn định các đơn vị hiện có, đồng thời có thể linh hoạt gộp xã thuộc huyện này vào huyện khác nếu cần thiết. Xã sáp nhập với xã vẫn giữ tên là “xã”, còn khi sáp nhập với phường thì đơn vị mới sẽ tiếp tục được gọi là “phường”.
Tên gọi sau sáp nhập do địa phương tự đề xuất, tuy nhiên Trung ương khuyến khích lựa chọn các tên phản ánh bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử của từng khu vực.
Theo báo VnExpress