Hơn 11 năm kể từ ngày chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất bí ẩn vào ngày 8/3/2014, một chiến dịch tìm kiếm mới đã chính thức được triển khai tại khu vực biển phía tây Australia, cách đất liền khoảng 1.500 km. Dẫn đầu nỗ lực này là Ocean Infinity – công ty Mỹ chuyên thăm dò đáy biển, từng tham gia cuộc tìm kiếm vào năm 2018 nhưng chưa đạt kết quả.
Lần trở lại này, Ocean Infinity mang theo công nghệ hiện đại hơn nhiều cùng với đội tàu được nâng cấp đáng kể, trong đó nổi bật là tàu khảo sát viễn dương Armada 7806. Con tàu này được kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt trong hành trình giải mã một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không hiện đại – sự biến mất không dấu vết của chiếc Boeing 777 chở 239 người.

Armada 7806 do hãng Vard (Na Uy) chế tạo và hạ thủy năm 2023, có chiều dài 78 mét và vận hành bởi đội thủy thủ 16 người. Con tàu được tích hợp các hệ thống khảo sát biển sâu tiên tiến bậc nhất hiện nay, chuyên dùng trong các chiến dịch dò tìm ở đại dương rộng lớn và phức tạp.
Đồng hành cùng tàu là ít nhất ba thiết bị lặn tự hành (AUV) do hãng Kongsberg (Na Uy) sản xuất. Mỗi AUV dài khoảng 6,2 mét, có thể lặn sâu tới 6.000 mét và hoạt động liên tục trong vòng 100 giờ – thời lượng vượt trội so với những thiết bị từng được sử dụng trước đây. Các AUV này hoàn toàn tự động và được điều phối từ trung tâm chỉ huy của Ocean Infinity đặt tại Southampton (Anh) thông qua hệ thống vệ tinh.
Theo giáo sư Stefan Williams từ Đại học Sydney, các AUV được trang bị nhiều hệ thống sonar hiện đại như sonar quét bên, sonar khẩu độ tổng hợp, sonar chùm đa tia và hệ thống lập bản đồ đáy biển. Những công nghệ này giúp phát hiện các vật thể nằm sâu dưới đáy đại dương bằng cách phát ra và ghi lại các tín hiệu âm thanh phản hồi. Khi phát hiện mục tiêu khả nghi, các thiết bị sẽ tiếp cận gần hơn để chụp ảnh, từ đó phân tích xem đó có phải là xác máy bay hay không.
So với lần tìm kiếm trước, Ocean Infinity đã cải tiến đáng kể khả năng vận hành đồng thời nhiều thiết bị. Giờ đây, họ có thể triển khai nhiều AUV cùng lúc, mỗi chiếc đảm nhận một khu vực khảo sát riêng biệt, qua đó mở rộng phạm vi và tăng tốc độ thu thập dữ liệu. Sau mỗi đợt hoạt động, các thiết bị sẽ trở lại tàu mẹ để truyền dữ liệu, phục vụ cho việc dựng bản đồ đáy biển chi tiết.
Vùng biển được chọn để tìm kiếm có diện tích tương đương thành phố Sydney, được xác định dựa trên việc phân tích dữ liệu vệ tinh, dòng hải lưu và các mảnh vỡ trôi dạt được xác nhận là của MH370. Dù là khu vực tiềm năng, địa hình nơi đây lại rất hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt, khiến chiến dịch gặp nhiều thử thách. Khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 được đánh giá là lý tưởng nhất cho việc khảo sát, và toàn bộ chiến dịch có thể kéo dài đến 18 tháng.

Ocean Infinity vốn chuyên thực hiện các khảo sát phục vụ ngành dầu khí và năng lượng tái tạo trên biển. Tuy nhiên, công ty cũng đã ghi dấu ấn trong lĩnh vực tìm kiếm xác tàu. Năm 2018, họ phát hiện tàu ngầm Argentina bị mất tích ở độ sâu gần 1.000 mét tại Đại Tây Dương. Mới đây vào tháng 10/2024, họ cũng xác định được vị trí của một tàu chiến Mỹ bị đánh chìm cách đây 78 năm.
Chiến dịch hiện tại sẽ tập trung khảo sát ba đến bốn khu vực tiềm năng mà các chuyên gia độc lập đánh giá có nhiều khả năng chứa xác chiếc máy bay mất tích. Khu vực đầu tiên là nơi từng được khảo sát năm 2018, được kiểm tra lại để tránh bỏ sót do độ phức tạp của địa hình. Khu vực thứ hai nằm cách đó khoảng 100 hải lý về phía nam, dựa trên giả thuyết rằng MH370 đã tiếp tục bay xa hơn trước khi cạn nhiên liệu.
Giả thuyết này được nhiều chuyên gia hàng không ủng hộ, trong đó có cựu phi công quân sự Pháp Patrick Blelly và cựu quan chức hàng không Jean-Luc Marchand, cho rằng cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah có thể đã cố ý đưa máy bay chệch khỏi lộ trình rồi lao xuống biển. Khu vực thứ ba được lựa chọn dựa trên phân tích các tín hiệu nhiễu sóng vô tuyến, trong khi khu vực thứ tư – nếu điều kiện cho phép – sẽ được khảo sát theo đề xuất từ Đại học Tây Australia.
Nếu chiến dịch lần này thành công và xác máy bay được tìm thấy, chính phủ Malaysia sẽ chi trả 70 triệu USD cho Ocean Infinity. Tuy nhiên, công ty không có quyền tự ý trục vớt. Họ sẽ phải báo cáo kết quả để Malaysia tiến hành các bước tiếp theo, bao gồm việc thu hồi hộp đen và xác máy bay, phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân vụ mất tích.
Theo báo VnExpress