Một nhóm chuyên gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu trên hàng chục bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2 đến giai đoạn 4, đang điều trị tại Bệnh viện Bình Dân.
Tại Hội nghị khoa học Bệnh viện Bình Dân diễn ra trong hai ngày 4 và 5 tháng 4, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Trần Vĩnh Hưng, Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Lê Nguyễn Minh Hoàng và Mai Bá Tiến Dũng đã trình bày báo cáo đánh giá kết quả phát hiện đột biến gây ung thư tuyến tiền liệt thông qua phương pháp giải trình tự gen.
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới trên toàn cầu. Theo số liệu từ Globocan năm 2022, đây là loại ung thư đứng thứ hai về mức độ phổ biến, với hơn 1,4 triệu ca mắc mới.
Nếu không được chẩn đoán sớm, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt rất cao, đứng thứ sáu trong các loại ung thư ở nam giới. Việc điều trị và tiên lượng bệnh phụ thuộc nhiều vào giai đoạn phát hiện ung thư.
Nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt chưa được xác định rõ ràng. Các nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ với thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia. Các yếu tố dinh dưỡng như tiêu thụ nhiều thịt và chất béo cũng không cho thấy mối liên quan rõ rệt.

Hiện tại, chưa xác định được các gen có ý nghĩa sinh ung thư, nhưng nhiều quan sát lâm sàng ghi nhận vai trò của yếu tố gia đình. Đột biến gen cũng được cho là có thể ảnh hưởng đến điều trị và tiên lượng của nhiều khối u, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt.
Do đó, nhóm chuyên gia cho rằng, nghiên cứu về các đột biến cụ thể liên quan đến kết quả khối u có thể giúp bác sĩ xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Nghiên cứu được tiến hành trên nhóm bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Bình Dân từ tháng 7 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024, tổng cộng có 23 trường hợp ở giai đoạn 2 đến giai đoạn 4.
Các bệnh nhân được chia thành hai nhóm (không ngẫu nhiên) để thử nghiệm dòng tế bào mầm và thử nghiệm khối u bản thể. Kết quả cho thấy, nhóm thử nghiệm dòng tế bào mầm (11 người) có kết quả âm tính với đột biến gen BRCA1 và BRCA2 đạt 100%.
Trong khi đó, nhóm thử nghiệm khối u bản thể (12 người) có tỷ lệ âm tính hơn 41% (5/12), tỷ lệ dương tính hơn 58% (7/12). Trong số 7 bệnh nhân có kết quả dương tính, có 4 trường hợp xuất hiện một loại đột biến và 3 trường hợp có từ hai loại đột biến trở lên.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng, có mối liên hệ giữa các xét nghiệm NGS (giải trình tự gen thế hệ mới) và tình trạng đột biến gây ra ung thư tuyến tiền liệt.
Mặc dù các đột biến liên quan đến dòng tế bào mầm cho kết quả âm tính 100% trong nghiên cứu này, nhưng cần lấy mẫu số lượng lớn hơn để xác định đột biến gen BRCA1/2 trong nhóm bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.
Riêng nhóm thử nghiệm khối u bản thể bước đầu cho thấy mối tương quan với ung thư tuyến tiền liệt.
Phó giáo sư Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết Hội nghị Khoa học công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 21 (CISE 2025) với chủ đề “Kết nối chuyên gia ngoại khoa quốc tế”, diễn ra trong hai ngày 4 và 5 tháng 4, là diễn đàn chuyên môn quy tụ các chuyên gia phẫu thuật và nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhằm chia sẻ tri thức, kinh nghiệm lâm sàng và mở rộng hợp tác nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân ngoại khoa.
Hội nghị CISE 2025 có sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu, bao gồm các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và các chuyên gia y tế. Tổng số báo cáo viên là hơn 230 nhà khoa học, trong đó có 32 chuyên gia đến từ các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Ý, Hy Lạp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước.
Đặc biệt, hội nghị có phiên phẫu thuật thị phạm trực tiếp từ phòng mổ của Bệnh viện Bình Dân, bao gồm phẫu thuật nội soi cắt ung thư thực quản và phẫu thuật robot cắt tuyến tiền liệt tận gốc, với phần tư vấn chuyên môn của các chuyên gia quốc tế.
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhận định rằng hội nghị thể hiện rõ định hướng phát triển mô hình y tế công nghệ cao và hội nhập quốc tế của Bệnh viện Bình Dân.
Theo Dân Trí