Ngày 20/3/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp giải thể Bộ Giáo dục Mỹ sau khi đã cắt giảm gần một nửa nhân sự và thu hẹp chức năng của cơ quan này trong thời gian qua.

Vai trò của Bộ Giáo dục Mỹ
Thành lập năm 1979, Bộ Giáo dục Mỹ chủ yếu đảm nhận việc cấp tài chính cho sinh viên đại học thông qua các khoản trợ cấp và cho vay. Ngoài ra, bộ còn phân bổ ngân sách liên bang cho các trường phổ thông, đặc biệt hỗ trợ học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời thực thi các luật chống phân biệt đối xử.
Theo tờ The New York Times, ngân sách dành cho các trường học đã được Quốc hội phê duyệt và có khả năng không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, vai trò giám sát các khoản tài trợ này có thể được giảm bớt và chuyển giao cho các cơ quan liên bang khác.
Thông thường, ngân sách liên bang chỉ chiếm khoảng 10% tổng nguồn thu của các trường phổ thông. Mặc dù Tổng thống Trump mong muốn trao quyền quản lý giáo dục về cho các tiểu bang, thực tế các bang đã có quyền quản lý giáo dục địa phương và chủ yếu sử dụng ngân sách từ thuế của bang để chi trả cho các hoạt động giáo dục. Bộ Giáo dục liên bang không quyết định chương trình học hay danh mục sách giáo khoa cho các trường phổ thông.
Bộ cũng quản lý các bài kiểm tra để đánh giá chất lượng học tập của học sinh Mỹ và so sánh với các bang hoặc quốc gia khác. Ngoài ra, cơ quan này đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ các dự án nghiên cứu giáo dục và phổ biến kết quả nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo The New York Times, việc đóng cửa Bộ Giáo dục có thể không ảnh hưởng ngay lập tức đến hoạt động của các trường phổ thông và đại học. Chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét giao Bộ Tài chính giải ngân các khoản vay, trợ cấp cho sinh viên, và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh quản lý ngân sách cho học sinh khuyết tật.
Theo AFP, việc đóng cửa Bộ Giáo dục cần có sự chấp thuận của Quốc hội, nhưng sắc lệnh của Tổng thống Trump có thể khiến bộ này thiếu hụt ngân sách và nhân sự. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết: “Bộ Giáo dục sẽ nhỏ hơn nhiều so với hiện tại”.
Tác động đối với du học sinh
Tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam, cho rằng việc giải thể Bộ Giáo dục Mỹ trong thời gian tới sẽ “hoàn toàn không ảnh hưởng” đến thị trường du học Mỹ, bao gồm các chính sách du học và quy định tuyển sinh của các trường đại học.
Ông Thắng giải thích rằng hệ thống giáo dục Mỹ có sự phân cấp rõ ràng. Bộ Giáo dục liên bang chủ yếu mang tính biểu tượng, trong khi việc quản lý các trường đại học, đặc biệt là các trường công lập, thuộc thẩm quyền của các tiểu bang. Các trường muốn tuyển sinh viên quốc tế cần được Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) chấp thuận.
Do đó, các quy định tuyển sinh và chính sách du học sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc giải thể Bộ Giáo dục liên bang. Các trường đại học Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động và tuyển sinh như bình thường, đảm bảo quyền lợi cho sinh viên quốc tế.
Theo báo Thanh Niên