Nguyễn Văn Hậu, thường được gọi là Hậu “Pháo”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, đã chi tổng cộng 132 tỷ đồng cho nhiều quan chức tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Quảng Ngãi để giành được các dự án lớn. Hành vi này đã giúp Hậu thu lợi hơn 963 tỷ đồng thông qua các sai phạm liên quan đến đấu thầu và kế toán.
Theo kết luận điều tra ngày 17/3 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), Hậu bị cáo buộc đã hối lộ 72,5 tỷ đồng và 2,62 triệu USD cho các quan chức tại ba tỉnh trên. Tại Vĩnh Phúc, 15 cán bộ bị đề nghị truy tố, bao gồm hai cựu Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và Phạm Văn Vọng; cựu Phó Bí thư Thường trực Phạm Hoàng Anh; hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành và Phùng Quang Hùng. Trong đó, bà Lan và ông Thành nhận hối lộ nhiều nhất, lần lượt là 47,9 tỷ đồng và 49,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, ba cựu Bí thư Tỉnh ủy khác cũng bị đề nghị truy tố là Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh (tỉnh Phú Thọ), Lê Viết Chữ (tỉnh Quảng Ngãi).
Hậu bị cáo buộc đã thực hiện các hành vi sai phạm về đấu thầu để hưởng lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng 459,4 tỷ đồng; đồng thời bỏ ngoài sổ sách các doanh thu thực để hưởng lợi 504,5 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên 1.440 bất động sản, thu giữ 534 lượng vàng SJC, 41,5 tỷ đồng và hơn 1,1 triệu USD. Các bị can đã nộp hơn 118 tỷ đồng và 900.000 USD để khắc phục hậu quả.

C03 nhận định đây là vụ án điển hình cho việc nhà thầu thi công thông đồng với chủ đầu tư dự án để được tiết lộ thông tin, dự toán gói thầu. Sau khi chi tiền nhằm được chỉ định thầu, Hậu đã nhượng lại thi công cho các công ty khác để lấy % chênh lệch ngoài hợp đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước. Các địa phương không chú ý đến giá thực tế tại thị trường của nguyên vật liệu, làm cho chi phí rất cao, không tiết kiệm, gây thất thoát tiền Nhà nước.
C03 kiến nghị Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ, công khai hoạt động định giá tài sản của các doanh nghiệp tư vấn để tránh bị lợi dụng can thiệp, tác động làm sai lệch kết quả định giá, gây thiệt hại. Đồng thời, cần kiểm tra để hạn chế việc nâng khống năng lực thực tế để được lựa chọn làm chủ đầu tư, nhà thầu.
Đối với Bộ Xây dựng, C03 đề xuất cần đánh giá, tham mưu sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến định mức, đơn giá trong xây dựng theo hướng giá dự toán các hạng mục công trình dự án phù hợp với chi phí thị trường, đảm bảo các doanh nghiệp thi công dự án có lợi nhuận trên cơ sở tiết kiệm tối đa.
Trong vụ án này, C03 cũng kiến nghị Bộ Tài chính và UBND các tỉnh xử lý hành chính đối với các công ty thẩm định giá, tư vấn đấu thầu có sai phạm, như đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, tư vấn đấu thầu.
Theo báo VnExpress