Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt tiền đối với tội phạm về an toàn thực phẩm lên đến 3 tỷ đồng; đồng thời, nâng mức án tù tối thiểu từ một năm lên 3 năm, tối đa là 20 năm.
Nhằm tăng cường tính răn đe và hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng mức phạt tiền đối với hơn 160 tội danh trong Bộ luật Hình sự hiện hành, với mức tăng phổ biến là gấp đôi.
Đặc biệt, hai tội danh thuộc nhóm tội phạm môi trường, bao gồm Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236) và Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317), được đề xuất tăng mức phạt tiền gấp 6 lần.

Cụ thể, các hành vi như sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm bị cấm hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm; sử dụng động vật chết, có nguồn dịch bệnh bị buộc tiêu hủy để chế biến, buôn bán thực phẩm; nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm có chứa chất phụ gia, chất cấm… có thể bị phạt từ 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, tùy theo số tiền thu lợi và mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng đến bao nhiêu người. Hiện tại, mức phạt cho tội danh này dao động từ 50 đến 500 triệu đồng.
Dự thảo cũng đề xuất nâng mức phạt tù tối thiểu đối với người phạm tội này từ một năm lên 3 năm. Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất sẽ chuyển từ 1-5 năm lên 3-7 năm.
Theo quy định hiện hành, người thực hiện các hành vi trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu biết rằng các phụ gia, hóa chất mình sử dụng thuộc danh mục cấm. Tương tự, họ cũng chỉ bị xử lý nếu biết động vật mình sử dụng để chế biến, buôn bán làm thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc bị buộc tiêu hủy.
Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới, Bộ Công an đề xuất bỏ cụm từ “mà biết”, đồng nghĩa với việc người phạm tội sẽ phải chịu hình phạt, dù họ có biết hay không biết các hóa chất, phụ gia và nguồn gốc động vật đó có hại.
Tương tự, người phạm tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193) bị đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung, từ 20-100 triệu đồng lên 40-200 triệu đồng.
Cá nhân phạm tội có thể bị cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới 36 tỷ đồng (mức hiện tại là 18 tỷ đồng).
Pháp nhân có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại cũng bị đình chỉ vĩnh viễn nếu được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.
Dự thảo cũng bổ sung nội dung mới: mức phạt tù 5-10 năm sẽ được áp dụng đối với người sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm “hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên”.
Theo VnExpress