Bộ Công an đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định liên quan đến việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ.
Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng cho các cá nhân, tổ chức có hành động cứu giúp, chăm sóc, đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên khen thưởng. Đây được xem là động thái nhằm tôn vinh hành vi dũng cảm và khuyến khích tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.
Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình từ nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định rằng trong những tình huống khẩn cấp, hành động cứu giúp kịp thời có thể góp phần cứu sống nạn nhân hoặc giảm nhẹ thương tích, đồng thời hạn chế thiệt hại về tài sản.
Việc ghi nhận, khen thưởng những nghĩa cử ấy không chỉ tạo động lực cho người dân tích cực giúp đỡ người khác mà còn góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, sẻ chia.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người từng gặp phiền toái khi cứu giúp nạn nhân tai nạn giao thông, như bị hiểu lầm, hành hung, thậm chí dính líu đến các vụ kiện tụng kéo dài. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại, lo sợ bị “làm ơn mắc oán”, khiến nhiều người chọn cách đứng ngoài, dù nhìn thấy người bị nạn.
Do đó, theo đại biểu Hòa, bên cạnh việc thưởng tiền, nhà nước cần có các biện pháp bảo vệ người cứu giúp và tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để họ không gặp rắc rối sau khi thực hiện nghĩa cử nhân đạo.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết pháp luật hiện hành đã có quy định xử lý nghiêm hành vi vu khống, cố ý gây thương tích hoặc đe dọa người cứu giúp nạn nhân tai nạn giao thông.
Các cơ quan chức năng cần tích cực áp dụng quy định này để bảo vệ những người tốt, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng, ứng xử đúng trong những tình huống khẩn cấp, tránh những hiểu lầm và phản ứng không đáng có từ phía nạn nhân hoặc người thân của họ.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng việc cứu người không đúng cách đôi khi có thể khiến tình trạng của nạn nhân trở nên nghiêm trọng hơn hoặc làm sai lệch hiện trường vụ tai nạn, gây khó khăn cho việc điều tra.
Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ và khuyến khích, các cơ quan chức năng nên tăng cường hướng dẫn kỹ năng sơ cứu, phổ biến kiến thức xử lý tình huống tai nạn giao thông để người dân có thể hành động đúng đắn và an toàn khi gặp sự cố.
Theo báo Thanh Niên