Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, thông báo trong chương trình “Meet the Press” trên NBC News ngày 6 tháng 4 rằng hơn 50 quốc gia đã đề nghị khởi động đàm phán thương mại với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế đối ứng.
Ông Bessent nhận định rằng việc áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại đã đặt Tổng thống Trump vào vị thế nắm quyền, tạo ra “đòn bẩy tối đa” cho chính mình. Tuy nhiên, ông và các quan chức Nhà Trắng không tiết lộ cụ thể tên các quốc gia đã đề xuất đàm phán.
Cùng ngày, lãnh đạo Đài Loan cũng đề xuất đàm phán với Mỹ dựa trên nền tảng “thuế quan bằng 0”, cam kết gỡ bỏ các rào cản thương mại và cho biết các công ty Đài Loan sẽ tăng cường đầu tư vào Mỹ.
Hãng tin Reuters nhận định rằng việc tổ chức đồng thời nhiều cuộc đàm phán song phương có thể đặt ra thách thức lớn về hậu cần cho chính quyền Trump, và hiện chưa rõ các cuộc đàm phán này sẽ kéo dài bao lâu.

Trước đó, Tổng thống Trump đã gây chấn động toàn cầu khi tuyên bố áp thuế rộng rãi đối với hàng nhập khẩu. Trung Quốc ngay lập tức công bố thuế trả đũa, khiến thị trường chứng khoán Mỹ mất gần 6.000 tỷ USD. Nhiều chuyên gia lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và khả năng suy thoái toàn cầu.
Các nhà kinh tế của JPMorgan ước tính rằng các biện pháp thuế quan này sẽ khiến GDP Mỹ năm nay giảm 0,3%, so với dự báo tăng trưởng 1,3% trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng lên 5,3%, từ mức 4,2% hiện tại.
Trong chương trình trên NBC News, ông Bessent tỏ ra không lo lắng về thị trường chứng khoán và phủ nhận nguy cơ suy thoái. Ông nhấn mạnh rằng số liệu việc làm ngày 4 tháng 4 cao hơn nhiều so với kỳ vọng, cho thấy nền kinh tế đang tiến lên.
Khi được hỏi về thời gian người Mỹ sẽ phải đối mặt với tình hình kinh tế bất ổn, ông Bessent cho biết chính quyền Trump sẽ giữ vững lập trường áp thuế và hạ lạm phát, nhưng không xác định rõ thời gian cụ thể. Ông mô tả đây là một “quá trình điều chỉnh”.
Về tranh luận liệu thuế đối ứng sẽ trở thành chính sách dài hạn hay chỉ là chiến thuật nhằm đạt được nhượng bộ, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết trên chương trình “Face the Nation” của CBS News rằng khả năng thứ hai là hoàn toàn có thể. Ông cho biết các mức thuế hiện tại có thể chỉ duy trì “vài ngày hoặc vài tuần”.
Quy trình xác định các mức thuế này đã bị đặt dấu hỏi sau khi chúng được áp dụng cả với những nơi không có người ở mà chỉ có chim cánh cụt. Ông Lutnick giải thích rằng đó là cách tiếp cận toàn diện để các quốc gia nhỏ không bị lợi dụng làm nơi trung chuyển tránh thuế của các nước lớn.
Cũng trong ngày 6 tháng 4, tỷ phú Elon Musk, cố vấn cho ông Trump, bày tỏ hy vọng sẽ có thương mại tự do hoàn toàn giữa Mỹ và châu Âu. Cố vấn thương mại Peter Navarro của ông Trump bác bỏ suy đoán rằng có bất đồng giữa Musk và chính quyền Trump về chính sách thuế, khẳng định “không có mâu thuẫn nào ở đây cả” trong chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News.
Theo VnExpress