Phiên giao dịch ngày 27 tháng 3, các hãng xe như Toyota, Honda, Hyundai Motor và Kia chứng kiến vốn hóa thị trường giảm tổng cộng 16,5 tỷ USD sau khi có thông tin Mỹ áp thuế 25% đối với ôtô con và xe tải nhỏ nhập khẩu. Đến phiên 28 tháng 3, cổ phiếu của các công ty này tiếp tục giảm từ 2% đến 4%.
Từ Tokyo, Seoul đến thành phố công nghiệp Gwangju, nhiều người dân bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của mức thuế này đối với ngành công nghiệp ôtô, một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc sau Thế chiến II.
Tại Nhật Bản, ngành sản xuất ôtô đóng góp gần 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các công ty ôtô, đặc biệt là Toyota, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng lương trên toàn quốc thông qua các cuộc đàm phán hàng năm giữa công đoàn và ban lãnh đạo.
Theo Teikoku Databank, chuỗi cung ứng ôtô đã tạo ra khoảng 60.000 việc làm trong 5 tháng đầu năm ngoái. Hiện nay, lĩnh vực này cung cấp việc làm cho hơn 5 triệu người, chiếm khoảng 8% lực lượng lao động, theo Hiệp hội Các hãng xe Nhật Bản.
Hiroshi Kojima, một doanh nhân 56 tuổi tại Tokyo, chia sẻ với Reuters: “Khi nghĩ đến sản xuất, ôtô là lĩnh vực đầu tiên xuất hiện trong đầu. Tôi lo ngại rằng thuế nhập khẩu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và giảm sản lượng của các công ty Nhật Bản.”

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, ngành sản xuất ôtô là một trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất. Ôtô và phụ tùng chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này, với khoảng một nửa sản lượng được xuất khẩu sang Mỹ.
Tại Gwangju, nơi đặt các nhà máy sản xuất các mẫu xe như Sportage, Soul và Seltos của Kia để xuất khẩu sang Mỹ, các công nhân cũng tỏ ra lo lắng. Một công nhân tại nhà máy cung ứng cho Kia cho biết: “Chúng tôi lo ngại rằng sản xuất sẽ giảm và chúng tôi có thể mất việc làm.” Hiện tại, nhà máy vẫn duy trì ca làm việc vào thứ Bảy trong tháng 4, nhưng tương lai vẫn chưa chắc chắn.
General Motors (GM) của Mỹ cũng có nhà máy tại Hàn Quốc, xuất khẩu hơn 80% số xe sản xuất tại đây, bao gồm các mẫu Chevrolet Trax và Trailblazer. Những nhà máy này có thể chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các đối thủ Hàn Quốc, vốn chủ yếu sản xuất xe cho thị trường nội địa.
Một công nhân khác tại Hàn Quốc chia sẻ: “Chúng tôi rất lo lắng. Đây là vấn đề ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi.” Ban lãnh đạo trước đó cho biết sản lượng năm nay sẽ tương đương năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa có cập nhật mới.
Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc, Ahn Duk-geun, trong tuần này đã gặp gỡ lãnh đạo các hãng xe và nhà cung cấp linh kiện ôtô. Ông bày tỏ lo ngại về thuế nhập khẩu và cam kết sẽ đưa ra các chính sách mới trong tháng 4 để giảm thiểu tác động. Một trong những giải pháp được xem xét là tăng cường đầu tư và thúc đẩy tiêu thụ trong nước.
Thủ tướng Nhật Bản, Shigeru Ishiba, cũng cho biết Tokyo “sẽ xem xét mọi phương án.” Ông nhấn mạnh rằng Nhật Bản vẫn là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu vào Mỹ. Năm 2023, Nhật Bản xuất khẩu 4,4 triệu ôtô, trong đó một phần ba được xuất khẩu sang Mỹ.
Ngành công nghiệp ôtô ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt khi ảnh hưởng từ các lĩnh vực như điện tử tiêu dùng hay vi mạch đang giảm dần. Các hãng xe cũng được coi là điểm đến hàng đầu cho sinh viên mới tốt nghiệp tại đây.
Mayu Morikawa, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp và đang tìm việc làm, bày tỏ lo ngại về tương lai của mình và người bạn vừa bắt đầu làm việc tại một hãng xe.
Tại Hàn Quốc, Hyun Sang-jin cho rằng thuế nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người, do Hyundai đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. “Tôi nghĩ rằng số lượng việc làm sẽ giảm đáng kể,” anh nói.
Theo báo VnExpress