Trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 18 đến 19/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã gặp gỡ lãnh đạo thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Tại buổi hội kiến, ông nhấn mạnh mục tiêu của Việt Nam là trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam dự kiến duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số bằng cách coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển khoa học – công nghệ.
Phó Thủ tướng đề nghị Thâm Quyến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế tư nhân, tăng cường liên kết giữa các khu vực kinh tế, cũng như áp dụng các chính sách đặc thù cho khu thương mại tự do và đặc khu kinh tế.
Thâm Quyến, thành lập năm 1980, là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc, giáp ranh với Hong Kong. Thành phố này được coi là trung tâm kinh tế hiện đại, công nghiệp và thương mại lớn nhất Trung Quốc, đóng vai trò tiên phong trong thử nghiệm các chính sách đổi mới và mở cửa của đất nước.
Năm ngoái, GDP của Thâm Quyến đạt 3.680 tỷ nhân dân tệ (khoảng 500 tỷ USD), với tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chiếm 6,46% GDP, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Thâm Quyến được ví như Thung lũng Silicon của Trung Quốc, là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Huawei, Tencent và BYD.
Phó Thị trưởng Thâm Quyến, ông Đào Vĩnh Hân, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Thâm Quyến trong ASEAN. Ông bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi và hợp tác thực chất giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tổ chức của hai nước, đặc biệt trong bốn lĩnh vực: phát triển chất lượng cao, công nghiệp, thương mại – đầu tư và du lịch.
Lãnh đạo Khu Khoa học Công nghệ sinh thái Vịnh Thâm Quyến và Ủy ban Cải cách và Phát triển thành phố Thâm Quyến cho rằng cần xây dựng các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đẩy mạnh thị trường hóa, pháp lý và quốc tế hóa môi trường kinh doanh.
Đại diện Tập đoàn Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Thâm Quyến đề xuất nhà nước cần xác định tiềm năng và bố trí nguồn lực cho các doanh nghiệp nhỏ trong các lĩnh vực chiến lược như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh, năng lượng mới và y tế. Đồng thời, cơ quan quản lý cần triển khai các cơ chế kiểm soát và quản trị rủi ro trong quá trình đầu tư cho doanh nghiệp.
Giáo sư Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế tại Đại học Thâm Quyến, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa và hội nhập quốc tế, kiên trì cải cách kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cùng với chú trọng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các đối tác Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Họ cũng dự kiến triển khai các cơ chế mới, kiểu mẫu về hợp tác đầu tư với các đối tác tại Việt Nam.
Theo báo VnExpress