Hơn 1.300 chuyến bay cùng gần 300.000 hành khách đã bị ảnh hưởng khi sân bay Heathrow ở London mất điện do vụ cháy trạm biến áp ngày 21/3.
Hầu hết các chuyến bay đến và đi từ Heathrow vào sáng sớm ngày 21/3 đều bị hủy, gây ra tình trạng hỗn loạn trong hoạt động hàng không toàn cầu. Ban quản lý sân bay đã thông báo đóng cửa sau khi một vụ hỏa hoạn xảy ra tại trạm biến áp điện ở Hayes vào đêm 20/3, cách sân bay khoảng 1,6 km về phía bắc, dẫn đến mất điện trong khu vực.
Đến 7h45 sáng, thời điểm thường có khoảng 200 máy bay hạ cánh tại Heathrow, không phận trên sân bay trở nên yên tĩnh lạ thường.

Là sân bay nhộn nhịp thứ hai thế giới, việc hủy chuyến đột ngột tại Heathrow khiến hàng trăm nghìn hành khách mắc kẹt. Hơn 1.350 chuyến bay bị ảnh hưởng trực tiếp do hủy và chậm chuyến. Theo lịch trình ngày 21/3, khoảng 680 chuyến bay dự kiến cất cánh và số lượng tương tự dự kiến hạ cánh tại Heathrow, phần lớn trong số đó đã bị hủy.
Công ty phân tích hàng không Cirium cho biết, những chuyến bay này dự kiến chở khoảng 291.000 hành khách.
Nhiều chuyến bay đến Heathrow vào sáng sớm buộc phải chuyển hướng giữa chừng đến các sân bay khác. Ít nhất 117 trong số 682 chuyến bay dự kiến hạ cánh tại Heathrow vào ngày 21/3 đã phải chuyển hướng. Trong đó, 43 chuyến quay lại nơi khởi hành, 74 chuyến hạ cánh tại các địa điểm khác.
Các chuyến bay được chuyển hướng nhiều nhất đến sân bay Gatwick London hoặc Amsterdam, cách London 4 giờ đi tàu, với 7 máy bay hạ cánh tại mỗi sân bay.
Nhiều hành khách được đưa tới các sân bay châu Âu như Madrid, Frankfurt và Helsinki, một số sân bay của Mỹ như sân bay quốc tế Washington Dulles. Một chuyến bay buộc phải hạ cánh tại sân bay quốc tế Keflavik ở Iceland.
Rafa, hành khách trên chuyến bay British Airways từ Dallas đến Heathrow, cho biết máy bay đã bay được nửa chặng thì phải quay đầu, chuyển hướng đến Washington DC. Theo trang web dữ liệu chuyến bay Flightradar24, chuyến bay BA192 của Rafa vừa đến Canada thì phải quay lại Mỹ.
Thời gian bay trung bình từ Dallas đến London là 8,5 tiếng, nhưng Rafa đã mất đến 8 tiếng ngồi trên máy bay khi nó bay trở lại Mỹ.
“Thật khó tin rằng Heathrow, một trong những sân bay đông đúc và tốt nhất thế giới, lại không có hệ thống điện dự phòng độc lập để duy trì hoạt động”, ông nói, cho biết chuyến bay vừa trải qua là “ác mộng”.
Dữ liệu cũng cho thấy một chuyến bay của Japan Airlines khởi hành từ Tokyo lúc 16h21 giờ GMT ngày 20/3, bay suốt đêm trong 11 giờ, gần tới London Heathrow thì đổi hướng đến Helsinki ở Phần Lan, rồi hạ cánh lúc 5h51 giờ GMT ngày 21/3, với tổng thời gian hơn 13 tiếng.
Trong khi đó, các chuyến bay từ Boston, Toronto và Dallas buộc phải hạ cánh tại căn cứ không quân Goose Bay ở vùng nông thôn đông bắc Canada.
Hơn 40 chuyến bay giữa Heathrow và sân bay John F. Kennedy (JFK) ở New York bị hủy. Hành khách đi lại giữa Heathrow và JFK là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Flightradar24, JFK là điểm đến hàng đầu cho các chuyến bay khởi hành từ Heathrow với trung bình 146 chuyến mỗi tuần.
44 chuyến bay giữa Heathrow và JFK đã lên lịch khởi hành vào 21/3 trước khi phải thông báo hủy chuyến. British Airways là hãng hàng không bị ảnh hưởng nhiều nhất. Gần một nửa số chuyến bay được lên lịch ngày 21/3 do British Airways khai thác.
“Chúng tôi buộc phải dừng hoạt động, hủy mọi chuyến bay chặng ngắn và phần lớn các chuyến bay chặng dài”, Tổng giám đốc điều hành kiêm chủ tịch của British Airways Sean Doyle nói.
“Đây là tình huống chưa từng có và chúng tôi chưa từng thấy Heathrow đóng cửa ở quy mô này trong nhiều năm”, Doyle cho biết. “Thật không may, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tất cả khách hàng sử dụng dịch vụ của chúng tôi những ngày tới”.
Theo VnExpress