Chiều ngày 1 tháng 4, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo bệnh nhân P.N.Q.K, 25 tuổi, quê Tiền Giang, đã tử vong do ngộ độc methanol. Đây là một trong sáu bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống rượu sơ ri.
Trước đó, vào đêm 30 tháng 3, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận sáu bệnh nhân gồm Đ.T.Đ (28 tuổi), T.H.T (41 tuổi), P.V.T.B (50 tuổi), B.V.Đ (51 tuổi), Đ.V.L (51 tuổi) và P.N.Q.K (25 tuổi). Theo thông tin bệnh sử, tối ngày 29 tháng 3 tại Ninh Thuận, nhóm du khách từ Tiền Giang này đã tiêu thụ hơn 6 chai rượu sơ ri nhãn hiệu K.T, mỗi chai dung tích 500 ml, được sản xuất tại Tiền Giang.
Khoảng 6 giờ sau khi uống, cả nhóm xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn và nôn ói, nhưng họ cho rằng đó chỉ là biểu hiện say rượu thông thường nên đã đi ngủ. Đến ngày 30 tháng 3, khi đang trên đường trở về Tiền Giang, vào khoảng 15 giờ, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn với đau bụng dữ dội và nôn ói liên tục. Đặc biệt, P.N.Q.K có dấu hiệu lơ mơ.
Khi xe đến gần Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc (Long An), cả nhóm được đưa vào cấp cứu. Tại đây, B.V.Đ và P.N.Q.K đã hôn mê, tụt huyết áp và được đặt nội khí quản hỗ trợ thở cùng truyền dịch. Bốn bệnh nhân còn lại trong tình trạng lừ đừ và toan chuyển hóa nặng. Tất cả được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy trong đêm 30 tháng 3.

Sau hai ngày điều trị tích cực, đến sáng 1 tháng 4, năm bệnh nhân hồi phục tốt. Tuy nhiên, P.N.Q.K vẫn hôn mê sâu với dấu hiệu lâm sàng cho thấy chết não. Kết quả đo điện não cho thấy sóng chậm lan tỏa, không đáp ứng kích thích, phù hợp với tình trạng chết não.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) não phát hiện tổn thương lan tỏa và phù não, nghi ngờ tụt hạnh nhân tiểu não. Sau khi hội chẩn với các chuyên khoa liên quan, các bác sĩ kết luận không thể cứu chữa và tiên lượng tử vong, điều này đã được giải thích với gia đình.
Mặc dù vậy, theo nguyện vọng của gia đình, bệnh viện tiếp tục hỗ trợ cấp cứu cho đến khi bệnh nhân tử vong vào lúc 14 giờ 38 cùng ngày. Nguyên nhân tử vong được xác định là do ngộ độc methanol mức độ nặng, dẫn đến toan chuyển hóa, tổn thương đa tạng, phù não lan tỏa gây tụt não và trụy hô hấp tuần hoàn.
Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, ngưỡng ngộ độc methanol được đánh giá như sau:
- Dưới 20 mg/dL: Ngộ độc methanol, cần theo dõi và điều trị triệu chứng, cân nhắc sử dụng thuốc giải độc.
- Trên 20 mg/dL: Ngộ độc methanol cần dùng thuốc giải độc.
- Trên 50 mg/dL: Ngộ độc methanol mức độ nặng, cần phối hợp thêm lọc máu.
Trong trường hợp này, nồng độ methanol của các bệnh nhân đều vượt ngưỡng đo, chỉ trả lời là trên 100 mg/dL, cho thấy tình trạng ngộ độc cực kỳ nghiêm trọng. May mắn là nhờ phát hiện sớm một trường hợp nặng trong nhóm, tất cả đã được đưa vào cấp cứu kịp thời. Nếu chậm trễ khoảng 2 – 3 giờ, tình trạng của năm bệnh nhân còn lại có thể đã nghiêm trọng hơn nhiều, đe dọa tính mạng.
Theo báo Thanh Niên