Ngày 31 tháng 3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73, điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số mặt hàng, có hiệu lực ngay từ ngày ký.
Trong đó, ba dòng xe ôtô được giảm thuế gồm: xe chở người có khoang chở hành lý chung và ôtô thể thao dung tích 2.000-2.500cc; ôtô kiểu sedan dung tích 2.000-2.500cc; và các loại ôtô khác thuộc loại 4 bánh chủ động.
Biểu thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cho một số mặt hàng được điều chỉnh như sau:
Mặt hàng | Thuế suất MFN hiện hành (%) | Mức điều chỉnh (%) |
---|---|---|
Một số loại ôtô | 45-64 | 32-50 |
Ethanol | 10 | 5 |
Đùi gà đông lạnh | 20 | 15 |
Hạt dẻ cười | 15 | 5 |
Hạnh nhân | 10 | 5 |
Táo tươi | 8 | 5 |
Anh đào ngọt (cherry) | 10 | 5 |
Nho khô | 12 | 5 |
Một số mặt hàng gỗ | 20-25 | 0 |
Khí hóa lỏng (LNG) | 5 | 2 |
Ethane | 0 | |
Ngô hạt | 2 | 0 |
Khô dầu đậu tương | 1-2 | 0 |
Thuế MFN là mức thuế suất áp dụng cho các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế MFN đối với một số loại ôtô nhằm đa dạng hóa nguồn cung xe nhập khẩu, tăng cường cạnh tranh trên thị trường và xây dựng hệ thống thuế phù hợp với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ôtô trong nước.
Hiện nay, thị trường ôtô Việt Nam có quy mô khoảng 510.000 xe mỗi năm. Trong đó, sản lượng sản xuất và lắp ráp trong nước đạt 338.000 xe, trong khi hơn 173.000 xe còn lại được nhập khẩu, chủ yếu từ các nước ASEAN với mức thuế suất FTA là 0%.
Bộ Tài chính nhận định, so với các quốc gia trong khu vực, thị trường ôtô Việt Nam vẫn còn khá nhỏ. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ ôtô tại Việt Nam có thể đạt từ 1-1,1 triệu xe mỗi năm. Như vậy, trong 5 năm tới, ngành ôtô trong nước cần tăng trưởng gấp đôi so với hiện tại để đáp ứng nhu cầu.
Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước chủ yếu tập trung vào các dòng xe có dung tích xi lanh thấp (dưới 2.000cc), phù hợp với đa số nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, các dòng xe có dung tích xi lanh cao hơn chủ yếu được nhập khẩu. Bộ Tài chính cho biết, kim ngạch nhập khẩu của cả ba dòng ôtô này chủ yếu đến từ các quốc gia có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, trong đó Thái Lan hưởng ưu đãi theo Hiệp định ATIGA và Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo tính toán, việc giảm thuế dự kiến khiến ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 8,81 triệu USD (tương đương khoảng 220 tỷ đồng) nếu tính theo kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN năm 2024. Tuy nhiên, mức hụt thu này có thể thấp hơn nếu số lượng ôtô nhập khẩu từ nhóm các nước MFN tăng lên nhờ lợi thế mới về thuế, thay cho nhập từ khu vực ASEAN.
Cùng với ôtô, mức thuế nhập khẩu MFN được điều chỉnh đối với các mặt hàng khác sẽ giúp nhà xuất khẩu từ nhiều thị trường, như Mỹ, hưởng lợi. Hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 12 quốc gia, gồm Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Malaysia, Indonesia và Singapore.
Trừ Mỹ, 11 nước trong số này đã nằm trong các Hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên nên được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định thương mại song phương từ năm 2001, nhưng chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) về cắt giảm thuế quan. Do đó, Mỹ vẫn là đối tác chịu mức thuế MFN áp dụng chung cho các quốc gia thành viên WTO.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc điều chỉnh đảm bảo nguyên tắc giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nhà điều hành cũng điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao. Trong đó, mức thuế suất điều chỉnh không thấp hơn các mức thuế suất của các FTA mà Việt Nam là thành viên.
Theo báo VnExpress