Ngày 28 tháng 3 năm 2025, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra tại Myanmar, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), khoảng 2,5 triệu tấn đống đổ nát – tương đương khoảng 125.000 chuyến xe tải – cần được dọn dẹp tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như Mandalay và Sagaing.
Thảm họa thiên nhiên này đã khiến hơn 3.600 người thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương và hàng trăm người khác mất tích. Hơn 60.000 người buộc phải sống trong các khu tạm cư do nhà cửa bị phá hủy hoặc không còn an toàn.

UNDP ước tính có khoảng 1,6 triệu công trình nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng, với hơn 10.000 ngôi nhà và công trình công cộng bị hư hại nghiêm trọng hoặc sụp đổ hoàn toàn. Bên cạnh đó, 128 cơ sở y tế cũng bị ảnh hưởng bởi các rung chấn mạnh, đối mặt nguy cơ hư hại nghiêm trọng hoặc bị phá hủy.
Tình hình càng phức tạp hơn khi Myanmar liên tiếp ghi nhận các dư chấn sau trận động đất chính. Tính đến ngày 12 tháng 4, đã có khoảng 468 đợt dư chấn được ghi nhận, với trận gần nhất mạnh 5,6 độ richter xảy ra vào ngày 13 tháng 4.
Nhiều tổ chức quốc tế đã triển khai hoạt động viện trợ nhân đạo, cung cấp thực phẩm, nước sạch, thiết bị y tế và hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, công tác phân phối viện trợ gặp nhiều trở ngại do hệ thống giao thông bị hư hại và tình hình an ninh bất ổn. Một số khu vực do lực lượng kháng chiến kiểm soát còn gặp khó khăn trong tiếp cận cứu trợ, đặt ra vấn đề về sự công bằng trong phân phối.
Việc dọn dẹp đống đổ nát và khôi phục cơ sở hạ tầng hiện đang được ưu tiên nhằm hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống và phòng ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Theo Tuổi Trẻ