Các nhà nghiên cứu tại Đại học Glasgow, Scotland, đã phát triển một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng mô phỏng hành vi của người bị lạc trong môi trường ngoài trời, nhằm hỗ trợ các đội cứu hộ xác định vị trí người mất tích một cách hiệu quả hơn.
Mô hình này được xây dựng dựa trên các báo cáo về hành vi của người mất tích, tạo ra bản đồ nhiệt xác suất chỉ ra những khu vực có khả năng cao tìm thấy họ trong các loại địa hình khác nhau. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí IEEE Access.
Jan-Hendrik Ewers, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Kỹ thuật James Watt thuộc Đại học Glasgow và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nhóm của ông đã phân tích nhiều nghiên cứu trước đây về hành vi của người bị lạc trong các tình huống thực tế.
Dựa trên đó, họ phát triển các tác nhân AI – những mô hình mô phỏng hành vi con người, được điều khiển bởi các thuật toán và mô hình phụ. Mỗi tác nhân được thiết kế với mục tiêu cụ thể như tìm kiếm nước, cây cối, tòa nhà hoặc đường sá. Các tác nhân quyết định hướng đi dựa trên vị trí hiện tại và khả năng nhìn thấy địa hình ưa thích.

Để kiểm tra tính hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã triển khai các tác nhân AI vào nhiều vị trí trên bản đồ kỹ thuật số của đảo Arran, nằm ngoài khơi bờ biển phía tây Scotland. Kết quả cho thấy bản đồ phân bố xác suất thu được rất phù hợp với dữ liệu thực tế về nơi thường tìm thấy người mất tích, chứng tỏ các tác nhân AI hành động tương tự con người.
Giáo sư David Anderson, đồng tác giả nghiên cứu tại Trường Kỹ thuật James Watt, nhận định: “Một trong những lợi thế của phương pháp mô hình hóa tâm lý để tìm kiếm người mất tích là nó có thể áp dụng cho bất kỳ cảnh quan nào. Điều này đồng nghĩa, nó sẽ giúp ích cho các đội tìm kiếm cứu hộ trên khắp thế giới, bất kể họ đang làm việc ở vùng núi, rừng rậm hay sa mạc.”
Theo VnExpress, TechXplore