Một nhóm nhà khoa học từ Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và các cộng sự đã phát hiện một loài cá cóc mới tại Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén, tỉnh Cao Bằng.
Loài này được đặt tên khoa học là Tylototriton koliaensis, đánh dấu loài cá cóc thứ 10 được ghi nhận ở Việt Nam và thứ 42 trên thế giới. Tên gọi “cá cóc Cao Bằng” được đặt theo địa điểm phát hiện loài này. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Alytes.
Nhóm nghiên cứu, bao gồm Tiến sĩ Lê Xuân Đắc và Tiến sĩ Lê Xuân Sơn từ Viện Sinh thái Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, cùng Tiến sĩ Nikolay A. Poyarkov từ Đại học Tổng hợp Matxcơva, Liên bang Nga, đã tiến hành khảo sát thực địa tại khu vực dưới chân dãy núi Phia Oắc, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Họ ghi nhận rằng cá cóc Cao Bằng sinh sống ở độ cao từ 1.000 m đến 1.400 m so với mực nước biển, đặc biệt tại khu vực Đèo Kolia và Nông trại hữu cơ Kolia.

Về đặc điểm hình thái, cá cóc Cao Bằng có lưng màu đen, bụng xám đen, tứ chi đen; đầu ngón chi trước và sau, cùng một phần lòng bàn chân, có màu cam sáng. Một sọc màu cam kéo dài dọc theo mép dưới của đuôi đến cuối đuôi. Đặc biệt, loài này không có các vệt màu cam sáng trên tuyến mang tai hoặc nốt sần bên sườn.
Bằng việc so sánh hình thái và giải phẫu (bao gồm cấu trúc hàm răng và xương hộp sọ), kết hợp với phân tích sinh học phân tử (so sánh và giải mã trình tự gene), các nhà khoa học xác định rằng cá cóc Cao Bằng khác biệt với các loài cá cóc đã biết ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Loài này sinh sản từ tháng 4 đến tháng 7, thường xuất hiện ở các đoạn suối chảy chậm và các vũng nước sâu từ 30-50 cm. Vào mùa đông, chúng ẩn nấp dưới các tảng đá và hang hốc trong giai đoạn sống trên cạn.
Do tính chất dễ bị tổn thương của các loài cá cóc nói chung và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các nhà khoa học đã đề nghị đưa cá cóc Cao Bằng vào Danh lục Đỏ thế giới với tình trạng bảo tồn ở mức nguy cấp. Theo Danh lục Đỏ thế giới cập nhật đến tháng 2 năm 2025, có 22 loài cá cóc thuộc giống Tylototriton được xếp ở tình trạng bảo tồn từ sắp nguy cấp đến cực kỳ nguy cấp.
Nhóm nghiên cứu đề xuất tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm sinh học và sinh thái của loài, làm rõ phạm vi phân bố của cá cóc Cao Bằng trong khu vực và vùng phụ cận. Đồng thời, họ nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp bảo tồn loài, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường, nhằm duy trì và phát triển giá trị đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén.
Theo VnExpress