Sau đợt sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và xã trên toàn quốc dự kiến sẽ còn lại khoảng 290.784 người. Trong đó, cấp tỉnh duy trì 91.784 người và cấp xã là khoảng 199.000 người, giảm lần lượt 18.449 và 110.000 so với hiện nay. Đồng thời, hơn 120.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng sẽ chấm dứt nhiệm vụ.
Hiện tại, tất cả các địa phương đã hoàn tất lấy ý kiến nhân dân về đề án sáp nhập đơn vị hành chính, với tỷ lệ đồng thuận trung bình đạt gần 96%. Đề án sáp nhập cũng đã được Hội đồng Nhân dân các cấp thông qua với mức đồng thuận gần tuyệt đối.
Tính đến ngày 8 tháng 5 năm 2025, các địa phương đã hoàn thiện hồ sơ, đề án sắp xếp đơn vị hành chính để trình Chính phủ, từ đó đệ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi hoàn tất, cả nước dự kiến còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm mạnh từ hơn 10.000 xuống còn 3.321, tức là giảm 6.714 xã và phường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn tất hồ sơ sắp xếp, để Quốc hội kịp thời xem xét và thông qua, từ đó triển khai ngay sau đó. Bên cạnh đó, 26 tổ công tác của các thành viên Chính phủ được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bộ Tài chính được giao đảm bảo đầy đủ kinh phí để chi trả cho các trường hợp nghỉ theo chế độ hoặc dôi dư sau sắp xếp, đồng thời hướng dẫn tạm ứng ngân sách cho các bộ, ngành và địa phương để tránh ách tắc. Bộ này cũng phải ban hành hướng dẫn cụ thể về sắp xếp tài sản và cơ sở vật chất trong quá trình sáp nhập.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc sáp xếp đơn vị hành chính không được làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể, các địa phương cần đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên vào năm 2025, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho hơn 2.200 dự án đang bị ách tắc với tổng vốn gần 6 triệu tỷ đồng và hơn 300.000 ha đất bị vướng mắc.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thực hiện hiệu quả “bộ tứ chiến lược” gồm Nghị quyết 57 (về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo), Nghị quyết 59 (hội nhập quốc tế), Nghị quyết 66 (cải cách pháp luật), và Nghị quyết 68 (phát triển kinh tế tư nhân).
Theo VnExpress