Ngày 26 tháng 3 năm 2025, Ủy ban châu Âu đã công bố Chiến lược Liên minh Ứng phó, một tài liệu dài 18 trang, cảnh báo rằng châu Âu đang đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn gia tăng. Những thách thức nổi bật bao gồm xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng địa chính trị leo thang, các hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng và nguy cơ chiến tranh điện tử.
Hadja Lahbib, Ủy viên Quản lý Khủng hoảng và Năng lực sẵn sàng của EU, nhấn mạnh: “Châu Âu đang đối mặt với những mối đe dọa phức tạp hơn bao giờ hết và chúng đan xen với nhau”.
Tài liệu khuyến cáo công dân các nước thành viên EU nên chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp bằng cách dự trữ thực phẩm và vật dụng thiết yếu đủ dùng trong ít nhất ba ngày. “Trong trường hợp xảy ra gián đoạn nghiêm trọng, giai đoạn đầu là thời gian quyết định”, tài liệu nêu rõ.

Lahbib giải thích rằng mục đích của tài liệu không phải để gây lo lắng, mà để đảm bảo “người dân có đủ nguồn cung thiết yếu trong ít nhất 72 giờ khi xảy ra khủng hoảng”. Bà liệt kê các vật dụng cần thiết bao gồm thực phẩm, nước uống, đèn pin, giấy tờ tùy thân, thuốc men và đài thu thanh sóng ngắn.
Bà cũng đề xuất EU xây dựng “kho dự trữ chiến lược” để lưu trữ các tài nguyên quan trọng như máy bay cứu hỏa, thuốc men, thiết bị vận tải và máy phát điện, cùng các trang thiết bị chuyên dụng để đối phó với các mối đe dọa hóa học, sinh học và phóng xạ.
Ủy ban châu Âu cũng kêu gọi tích hợp kỹ năng ứng phó vào chương trình giáo dục, giúp học sinh nhận biết và phân biệt thông tin sai lệch.
Tài liệu này dường như là một phần trong nỗ lực của EU nhằm nâng cao nhận thức của các quốc gia thành viên về mức độ nghiêm trọng của tình hình an ninh hiện nay. Ủy ban nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi tư duy để xây dựng văn hóa “sẵn sàng ứng phó” và “năng lực chống chọi” trong cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: “Thực tế mới đòi hỏi mức độ chuẩn bị mới ở châu Âu. Công dân, các quốc gia thành viên và các doanh nghiệp trong khối EU cần có công cụ phù hợp để hành động nhằm ngăn ngừa khủng hoảng và phản ứng nhanh khi xảy ra thảm họa.”
Hướng dẫn này được đưa ra sau khi một số quốc gia thành viên đã ban hành các chiến lược ứng phó tương tự. Vào tháng 6 năm 2024, chính phủ Đức đã cập nhật Chỉ thị khung về phòng thủ chung, hướng dẫn công dân về các biện pháp cần thực hiện trong trường hợp xung đột nổ ra ở châu Âu. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser khi đó nhấn mạnh rằng những hướng dẫn này là cần thiết để đất nước tự bảo vệ trước nguy cơ xung đột.
Theo báo VnExpress