Quyết định tạm ngừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine của Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều quốc gia nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ như một đối tác quốc phòng.
Gần đây, Bồ Đào Nha tuyên bố sẽ không mua tiêm kích F-35 của Mỹ để thay thế cho các máy bay F-16 sắp hết hạn sử dụng. Bộ trưởng Quốc phòng Bồ Đào Nha, ông Nuno Melo, cho biết nước này sẽ tìm kiếm các nguồn cung cấp khác từ châu Âu nhằm tránh phụ thuộc vào các chính sách không ổn định của Washington.
Tương tự, Ba Lan cũng bày tỏ lo ngại về độ tin cậy của Mỹ trong hợp tác quốc phòng. Nhà báo Ba Lan Stuart Dowell đã chia sẻ trên mạng xã hội về mối quan ngại liên quan đến việc sử dụng hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp và mức độ đáng tin cậy về chính sách của Washington. Ông Dowell nhắc lại việc Lầu Năm Góc từng dừng chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các hệ thống HIMARS.
Ngoài ra, Anh cũng bày tỏ lo ngại về sự hỗ trợ của Mỹ đối với tên lửa đạn đạo Trident do Mỹ sản xuất và được phóng từ tàu ngầm của Anh. Canada cũng đang đánh giá lại thương vụ mua tiêm kích F-35 trị giá hơn 13 tỷ USD và tìm kiếm phương án thay thế.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), thị trường châu Âu chiếm 35% hoạt động xuất khẩu vũ khí của Mỹ từ năm 2020 đến 2024. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây có thể ảnh hưởng đến doanh thu bán vũ khí của Mỹ.
Các quốc gia châu Âu đang xem xét các lựa chọn thay thế cho vũ khí Mỹ và tăng cường hợp tác quốc phòng nội khối nhằm giảm phụ thuộc vào Washington.
Theo báo VietnamNet