Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra phẫn nộ khi biết cố vấn an ninh Nhà Trắng Mike Waltz vô tình để lộ nhóm chat bàn về chiến dịch không kích Houthi ở Yemen. Tuy nhiên, ông quyết định không sa thải Waltz để tránh làm mất uy tín của chính quyền.
Ngày 11 tháng 3, Waltz lập nhóm chat trên ứng dụng Signal, bao gồm các quan chức chính quyền Mỹ, nhằm thảo luận về chiến dịch không kích dự kiến diễn ra vào ngày 15 tháng 3. Do sơ suất, ông đã thêm cả Jeffrey Goldberg, tổng biên tập tờ Atlantic, vào cuộc trò chuyện này.
Chiều ngày 24 tháng 3, Atlantic công bố một phần nội dung của nhóm chat, nhưng không tiết lộ những thông tin được cho là mật, có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ.
Sự cố này khiến Tổng thống Trump tức giận. Tuy nhiên, theo các quan chức thân cận, ông quyết định giữ Waltz lại vị trí để tránh ngầm thừa nhận sai phạm và không để Atlantic giành phần thắng.

Những dấu hiệu đầu tiên về vụ việc xuất hiện vào lúc 9h sáng ngày 24 tháng 3, khi các quan chức Mỹ nhận được thông báo rằng nhóm chat trên Signal đã vô tình bao gồm cả Goldberg. Một nguồn tin cho biết: “Tổng thống tức giận vì không ngờ ông Waltz lại hành động ngớ ngẩn như vậy.”
Sự phẫn nộ của ông Trump không chỉ xuất phát từ nguy cơ lộ bí mật quốc gia, mà còn liên quan đến việc chính quyền ông luôn chú trọng vấn đề rò rỉ thông tin. Ông và các đồng minh từ lâu đã nghi ngờ khi nhân viên liên lạc với một số nhà báo nhất định hoặc không thuộc lĩnh vực họ phụ trách.
Sau nhiệm kỳ đầu nhiều biến động, chính quyền Trump lần này hoạt động kỷ luật và bảo mật hơn, nhờ sự quản lý hiệu quả từ Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles và việc kiểm tra kỹ lưỡng lòng trung thành của các vị trí quan trọng.
Vì vậy, vụ lộ thông tin nhóm chat là một đòn giáng vào uy tín của chính quyền, đặc biệt khi nhà báo được thêm vào nhóm lại có quan điểm chỉ trích Nhà Trắng. Ông Trump từng mô tả Goldberg là “kẻ đê tiện” và chỉ trích cách tờ Atlantic đưa tin.
Nhận thức được mức độ nghiêm trọng, Waltz là một trong những người đầu tiên báo cáo sự cố cho Tổng thống, khẳng định rằng ông chưa bao giờ gặp hay trao đổi với Goldberg.

Đội ngũ của ông Trump sau đó tìm cách giảm thiểu tác động của vụ việc. Thông tin về nhóm chat được công bố khi Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đang trên đường đến châu Á. Tài khoản mang tên ông đã gửi thông tin về kế hoạch tác chiến, bao gồm “mục tiêu, vũ khí mà Mỹ triển khai và trình tự tấn công” vào nhóm.
Bộ trưởng Hegseth phản bác: “Không ai nhắn tin về kế hoạch tác chiến cả. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói về vấn đề này.”
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Brian Hughes xác nhận sự tồn tại của nhóm chat, nhưng nhấn mạnh rằng đây là minh chứng cho sự phối hợp thành công giữa các quan chức chính quyền. Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Steven Cheung cho rằng đây là màn dàn dựng của truyền thông nhằm công kích chính phủ.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Tulsi Gabbard và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương John Ratcliffe đã điều chỉnh nội dung chuẩn bị cho phiên điều trần trước Thượng viện ngày 25 tháng 3, tập trung vào cách kiểm soát thông tin mật. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ông Trump “hết sức tin tưởng Waltz và đội ngũ an ninh quốc gia của mình.”
Waltz giải thích rằng lý do điện thoại ông có số liên lạc của Goldberg là do “một trong những trợ lý tại Nhà Trắng đã thêm nhầm vào danh bạ.” Ông không đề nghị từ chức và Tổng thống cũng không yêu cầu điều đó.
Một số quan chức thân cận của ông Trump cho rằng nếu Waltz có thể tránh gây tranh cãi thêm vài ngày nữa, vụ việc sẽ lắng xuống và ông sẽ vượt qua khủng hoảng này.
Theo báo VnExpress