Phiên giao dịch chiều ngày 4 tháng 4 năm 2025 ghi nhận sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ lực cầu bắt đáy tăng mạnh ở nhiều cổ phiếu. Dù VN-Index vẫn giảm 19,17 điểm (tương đương 1,56%) và kết phiên ở mức 1.210,67 điểm, nhưng chỉ số này đã kịp lấy lại mốc 1.200 điểm sau khi xuyên thủng trong phiên sáng.

Trên sàn HNX-Index giảm 3,97 điểm xuống 216,97 điểm. Trái ngược, chỉ số UPCoM-Index ghi nhận mức tăng 0,56 điểm, đạt 91,13 điểm.
Tại sàn HOSE, số lượng cổ phiếu giảm vẫn chiếm ưu thế với 354 mã, trong đó có 101 mã giảm sàn. Tuy nhiên, con số này đã giảm gần một nửa so với buổi sáng. Có 138 mã tăng giá, trong đó LPB tăng trần lên 32.950 đồng. Nhóm cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup gồm VIC, VHM, VRE cũng đảo chiều tăng giá, góp phần giúp VN-Index thu hẹp mức giảm. Một số mã ngân hàng như STB, SSB, VIB, SHB tăng nhẹ, trong khi các mã như VCB, TCB, TPB, VPB, ACB, CTG, HDB vẫn duy trì sắc đỏ.
Ngành năng lượng chịu áp lực bán mạnh nhất khi giảm tới 6,13%, chủ yếu do PVS, PVD, PVB, PVC giảm sâu. Các ngành nguyên vật liệu và tiêu dùng không thiết yếu cũng lần lượt giảm 3,71% và 2,74%.
Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng cao với tổng giá trị giao dịch vượt 45.217 tỉ đồng. Phần lớn lực mua đến từ nhà đầu tư trong nước, trong khi khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng hơn 1.700 tỉ đồng trên HOSE.
Áp lực bán trong hai ngày qua xuất phát từ lo ngại sau tuyên bố áp thuế của Mỹ với mức lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam. Ông Michael Kokalari – Giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital – nhận định tuyên bố này tiêu cực hơn dự đoán và đang đánh giá lại các kịch bản đầu tư. Ông cho rằng đây là cơ hội để mua vào các cổ phiếu có nền tảng vững chắc, ít bị ảnh hưởng bởi thuế, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư công nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Theo báo Thanh Niên