Theo Interesting Engineering, ngày 17/3, Viện Công nghệ Madras (IIT Madras) của Ấn Độ đang xây dựng đường thử nghiệm Hyperloop dài 410 m, được đánh giá là dài nhất châu Á. Dự án này đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực giao thông tốc độ cao của quốc gia này.
Hyperloop là công nghệ vận tải được tỷ phú Elon Musk đề xuất năm 2013, hoạt động bằng cách đưa các khoang hành khách di chuyển trong đường ống chân không với tốc độ siêu cao, giúp giảm thiểu ma sát và tiêu thụ năng lượng. Theo lý thuyết, hệ thống này có thể đạt tốc độ lên tới 1.000 km/h, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các thành phố.
Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw đã ghé thăm cơ sở thử nghiệm Hyperloop tại IIT Madras và quan sát quá trình vận hành của hệ thống này. Giáo sư Satya Chakravarthy, chuyên gia kỹ thuật hàng không vũ trụ tại IIT Madras, cùng đội ngũ nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện dự án với mục tiêu thương mại hóa trong tương lai.
Các nhà khoa học tại IIT Madras đang tập trung vào các yếu tố quan trọng như hệ thống lực đẩy, độ lơ lửng và tối ưu hóa hạ tầng để đảm bảo công nghệ Hyperloop đạt hiệu suất tối ưu nhất. Dự án cũng hướng đến việc nghiên cứu các hành lang giao thông Hyperloop tiềm năng và đánh giá tác động của hệ thống này đến môi trường đô thị.
Nếu dự án thử nghiệm thành công, Ấn Độ có thể trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc đưa Hyperloop vào ứng dụng thực tế, mở ra kỷ nguyên giao thông tốc độ cao và thân thiện với môi trường.
Theo báo VnExpress