Ngày 21/3, Tòa án Melbourne đã xem xét đơn kháng cáo của bà Sakina Muhammad Jan, 49 tuổi, người bị cáo buộc ép con gái 21 tuổi, Ruqia Haidari, kết hôn với Mohammad Ali Halimi vào cuối năm 2019. Haidari từ chối cuộc hôn nhân này, bày tỏ mong muốn tiếp tục học tập và làm việc đến khi 27 hoặc 28 tuổi. Tuy nhiên, bà Jan được cho là đã tuyên bố: “Tôi có thể quyết định thay cô… bất kể thế nào, cô cần phải nghe lời tôi”, đồng thời đưa ra tối hậu thư: kết hôn hoặc rời khỏi nhà.
Khoảng sáu tuần sau khi chuyển đến Perth và bước vào cuộc hôn nhân, Haidari bị chồng sát hại. Halimi đã bị kết án tù chung thân vào năm 2021. Bà Jan trở thành người mẹ đầu tiên tại Úc bị kết án theo luật chống hôn nhân cưỡng ép. Vào tháng 12/2024, bà bị tuyên án ba năm tù, có thể được ân xá sau 12 tháng, nộp phạt 2.500 AUD và tuân thủ cam kết cải tạo trong 24 tháng.

Trong phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán chấp nhận lập luận rằng bà Jan nghĩ mình hành động vì lợi ích tốt nhất của con gái, nhưng nhấn mạnh cần nhận thức rằng “việc ép buộc một người kết hôn là sai trái”. Trong đơn kháng cáo, luật sư của bà Jan cho rằng tòa đã không xem xét đầy đủ hoàn cảnh khó khăn, vấn đề sức khỏe tâm thần của bị cáo và tác động đến gia đình.
Bà Jan thuộc dân tộc Hazara, một nhóm thiểu số bị đàn áp ở Afghanistan, trải qua cuộc sống thiếu thốn, bất ổn, không được học hành, kết hôn khi còn trẻ; chồng và hai anh chị em của bà đã bị Taliban giết hại. Gia đình bà chạy trốn sang Pakistan, sống 13 năm trong trại tị nạn và định cư tại Úc với tư cách người tị nạn; bà không nói được tiếng Anh.
Tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo, nhấn mạnh rằng hôn nhân cưỡng ép là “vi phạm nghiêm trọng quyền con người” và bất kỳ ai ép buộc người khác kết hôn đều phải chịu án tù. Các thẩm phán lưu ý rằng bản án của bà Jan chỉ bằng một nửa mức án tối đa trong khung hình phạt.
Luật chống hôn nhân cưỡng ép được thông qua vào năm 2013, và chính quyền đã cảnh báo về sự gia tăng các vụ việc liên quan đến trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Chỉ huy Cảnh sát Liên bang Úc cho biết số lượng khiếu nại về hôn nhân cưỡng ép đang tăng, với 90 vụ được báo cáo trong năm 2023. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng cho biết tội phạm này thường không được báo cáo vì nhiều người không nhận ra mình là nạn nhân hoặc sợ hãi không dám lên tiếng.
Theo báo VnExpress