Ngày 21 tháng 4 năm 2025, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát việc mua bán thuốc kê đơn trên mạng và các sàn thương mại điện tử, đồng thời khuyến cáo người dân chỉ nên mua thuốc tại các nhà thuốc hợp pháp.
Trong bối cảnh mạng xã hội xuất hiện tình trạng mua bán thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Y tế nhấn mạnh rằng các nền tảng thương mại điện tử như Meta Platforms Inc và Công ty TNHH Shopee cần có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn các hành vi này.
Theo Luật số 44/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2025, chỉ một số thuốc không kê đơn mới được phép kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử hoặc website bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến. Người dùng chỉ nên mua thuốc trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến và không nên mua qua nền tảng mạng xã hội hoặc từ người bán cá nhân không rõ danh tính.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và cung ứng đủ thuốc đạt chất lượng, Cục Quản lý Dược đề nghị ngành y tế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh và bán lẻ, kiểm soát xuất xứ, chất lượng và hạn dùng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường.
Bộ Y tế đã công bố 21 sản phẩm thuốc giả bị thu giữ, trong đó có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion. 16 sản phẩm còn lại không trùng khớp với bất kỳ loại thuốc nào nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành. Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết các sản phẩm giả này chủ yếu được bán trên mạng và tại các kênh bán lẻ.
Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 người. Cơ quan điều tra cáo buộc rằng từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng lớn thuốc giả, thu lợi bất chính gần 200 tỷ đồng.
Theo VnExpress