Vào khoảng 1 giờ 45 phút sáng ngày 1 tháng 1 năm 1985, cảnh sát nhận được cuộc gọi khẩn cấp đến một biệt thự sang trọng trên Đại lộ Tỷ phú (The Bishops) tại khu Hampstead, phía bắc London. Đây là khu vực nổi tiếng với 66 căn biệt thự đắt đỏ của giới siêu giàu và người nổi tiếng.
Tại hiện trường, họ phát hiện ông Aristos Constantinou, 40 tuổi, nằm gục gần một hốc tường với tổng cộng sáu vết đạn: hai phát vào đầu và bốn phát vào thân. Một két sắt âm tường bị mở toang và tấm kính trên cửa bếp bị đập vỡ.

Ban đầu, vụ việc được cho là một vụ trộm cướp. Bà Elena, vợ của Aristos, khai rằng khi họ trở về nhà sau bữa tiệc đêm giao thừa, hai kẻ đột nhập bịt mặt đã xông vào.
Bà cho biết mình bị nhốt trong phòng tắm ở tầng trên và nghe thấy nhiều tiếng súng. Sau đó, bà trốn thoát bằng cách trèo xuống ống thoát nước, chạy ra đường và kêu cứu.
Cảnh sát nhận định Aristos có thể đã cố gắng chống trả những kẻ tấn công, dựa trên các vết thương ở tay phải của ông.
Sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của Aristos Constantinou
Aristos Constantinou tốt nghiệp Học viện Thời trang London năm 1965. Ông từng làm việc cho nhà may Mattli ở Mayfair trước khi tự thành lập xưởng thiết kế riêng vào năm 1966. Sau đó, cùng em trai Achilleas, ông thành lập công ty thời trang Ariella.
Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành thời trang Anh, họ mở rộng từ một cửa hàng trên phố Carnaby đến việc cung cấp quần áo cho các nhà bán lẻ lớn như Jane Norman và John Lewis. Đến năm 1985, Ariella sở hữu 11 cửa hàng và hợp tác với hơn 300 nhà bán buôn trên toàn thế giới.
Aristos gặp và yêu Helen (sau đổi tên thành Elena), một nhân viên bán hàng xinh đẹp tại cửa hàng của Ariella. Sau khi kết hôn, họ cùng ba con sống trong biệt thự rộng hơn 10.000 m² với bảy phòng ngủ, nhiều phòng khách và phòng tắm. Khuôn viên còn có vườn rộng 2.000 m², chuồng ngựa và khu nhà dành cho nhân viên.
Những nghi vấn và điều tra xoay quanh Elena
Mặc dù hệ thống an ninh của biệt thự rất nghiêm ngặt, nhưng những kẻ tấn công vẫn có thể đột nhập. Khi đó, Aristos đang ở trong phòng cầu nguyện và bị yêu cầu giao nộp tài sản trị giá tới 4,7 triệu bảng Anh. Sau đó, ông bị bắn sáu phát đạn ở cự ly gần, với phát thứ bảy sượt qua đầu.
Cảnh sát xác định hung thủ sử dụng khẩu súng Fiocchi sản xuất tại Ý, với đạn bọc niken – loại đạn đã ngừng sản xuất từ năm 1961. Khẩu súng này không bao giờ được tìm thấy.

Cái chết đột ngột của Aristos thu hút sự chú ý lớn, được gọi là “Vụ giết người bằng đạn bạc”, trở thành một trong những vụ án nổi tiếng nhất tại Vương quốc Anh.
Quá trình điều tra ban đầu không thu được manh mối quan trọng. Tuy nhiên, sự nghi ngờ dần hướng về phía Elena do lời khai của bà có nhiều mâu thuẫn. Mặc dù bà khẳng định chưa bao giờ sở hữu súng lục, nhưng nhiều người bạn và nhân viên giúp việc cho biết điều ngược lại. Một người bạn gia đình tiết lộ rằng khoảng sáu tháng trước vụ án, Elena đã mang theo một khẩu súng trong túi xách để tự vệ.
Gia đình Constantinou cũng nhận được thông tin rằng Aristos dự định tước quyền thừa kế của vợ sau khi phát hiện bà không chung thủy. Một người giúp việc còn khẳng định sau vụ giết người, Elena đã cầu xin cô không tiết lộ chuyện ngoại tình với cảnh sát.
Bảy tháng sau cái chết của chồng, Elena tái hôn với một nhân viên cứu hộ người Mỹ.
Những diễn biến tiếp theo và bế tắc trong vụ án
Trong cuộc điều tra vào tháng 2 năm 1986, Elena thay đổi lời khai, cho biết trước đó bà đã nói dối vì bị kẻ tấn công đe dọa tính mạng của mình và ba con. Bà kể rằng bị kẻ bịt mặt ép khai vị trí két sắt và mật mã, sau đó bị đánh bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, bà thấy mình trong phòng tắm và tìm cách thoát ra qua cửa sổ.
Các thám tử phát hiện nhiều điểm không nhất quán trong lời khai của Elena, nhưng do thiếu bằng chứng cụ thể, vụ án rơi vào bế tắc.
Năm 1998, gia đình Constantinou hy vọng khi cảnh sát tái điều tra và xác định Elena là nghi phạm chính. Tuy nhiên, Cơ quan Truy tố Hình sự (CPS) cho rằng bằng chứng mới không đủ để truy tố.
ADN thu thập từ quần áo của Aristos và mảnh kính từ cửa bếp bị vỡ được xét nghiệm nhưng không cho kết quả rõ ràng.
Đến năm 2017, Cảnh sát Thủ đô London mở lại vụ án, nhưng vào tháng 4 năm 2020, CPS quyết định không truy tố nghi phạm.
Phát biểu vào năm 2019, Achilleas, em trai Aristos, cho biết từ năm 1986, cảnh sát đã nhiều lần nói rằng bằng chứng “hướng đến một nghi phạm duy nhất”. Tuy nhiên, CPS liên tục từ chối truy tố và yêu cầu điều tra thêm.
“Gia đình tôi chắc chắn rằng Elena biết chính xác anh trai tôi bị sát hại như thế nào, tại sao và bởi ai”, Achilleas nói.
Trong khi gia đình vẫn chờ đợi câu trả lời, Elena tái hôn lần nữa và chuyển đến sống ở Cyprus. Năm 2002, bà tuyên bố không liên quan đến cái chết của Aristos và từ chối quay lại Anh để cảnh sát thẩm vấn.
Theo báo VnExpress